Tăng cơ hội việc làm cho người yếu thế
Không phải ai sinh ra trên đời cũng có được may mắn trở thành người bình thường. Theo thống kê chưa đầy đủ ở nước ta, hiện nay có một số lượng không ít người khuyết tật về thể chất hay khiếm khuyết về trí tuệ. Thực tế này đang đặt ra câu hỏi cho chúng ta, phải làm gì, làm cách nào để hỗ trợ họ tự tin hơn, phát huy được giá trị của mình và có thể đóng góp cho xã hội.
Học viên Imago Work thực tập kỹ năng nghề tại bộ phận bếp bánh Khách sạn Inter Continental Westlake. (Ảnh IMAGO WORK)
Dự án dạy nghề cho người khuyết tật, khiếm khuyết trí tuệ Imago Work ra đời cũng xuất phát từ mục đích đó. Imago Work tập trung đào tạo các thanh niên khiếm khuyết trí tuệ, đặc biệt là những người trưởng thành, sống tự lập nhưng không biết nuôi sống bản thân.
Hỗ trợ người yếu thế tự lập
Là giáo viên, lại trải qua quá trình nuôi dạy đứa con đặc biệt của mình, cho nên trong thời gian sống hơn 10 năm qua ở Việt Nam, bà Michelle Beard, Giám đốc dự án Imago Work thấy rằng, mô hình đào tạo của Trường cao đẳng đào tạo nghề Shepherds ở Mỹ (nơi Evan - đứa con thứ hai của bà Michelle Beard, năm nay 26 tuổi, khi sinh ra bị mắc hội chứng Down, đã học) rất phù hợp để áp dụng tại đây. Dự án Imago Work được tạo ra với mục đích mang đến cho thanh niên khiếm khuyết trí tuệ lòng tự trọng và tính tự chủ cao hơn thông qua giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng xã hội và kỹ năng nghề nghiệp. Dự án được bà Michelle Beard và cộng sự thực hiện với sự cố vấn của các chuyên gia quốc tế về giáo dục đặc biệt.
Cô giáo Lê Bích Vân, phụ trách dự án chia sẻ: Chương trình mang tính tương tác cao, gồm bốn nội dung cơ bản: Kỹ năng sống và kỹ năng xã hội, giúp học viên hòa nhập xã hội và có tính tự chủ cao; rèn sức khỏe và thể lực; đào tạo nghề để làm việc trong nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau; hỗ trợ tìm việc hoặc thực tập trong cộng đồng sau khi hoàn thành chương trình đào tạo. Các học viên sẽ được đào tạo tập trung kéo dài 10 tháng liên tục với 5 đến 6 học viên/khóa.
Theo cô giáo Nguyễn Thị Nhung, nhiều người khiếm khuyết trí tuệ, đặc biệt là những người đã trưởng thành, rất khát khao được học hỏi và khi làm việc thì rất chăm chỉ. Các học viên tham gia khóa học đều phải trải qua buổi kiểm tra đầu vào về những kỹ năng cơ bản, cần thiết và có độ tuổi từ 16 trở lên.
Hầu hết trong các gia đình, những cậu bé, cô bé khuyết tật, khiếm khuyết về trí tuệ luôn được cả nhà dành cho sự ưu ái và bao bọc quá mức. Những đứa trẻ đó lớn lên, sẽ luôn phải dựa vào người khác và đặc biệt thiếu kỹ năng cơ bản để tồn tại độc lập.
Chứng kiến thực tế tại một buổi học kỹ năng nghề nghiệp của dự án Imago Work niên khóa 2021-2022 mới thấy sự vất vả và nỗ lực hằng ngày của các thầy giáo, cô giáo nơi đây. Đ.A là học viên nam, khi đến với dự án đã 28 tuổi. Ở nhà, Đ.A không dám dùng dao, kéo, vật sắc nhọn hoặc đồ nóng vì khi sử dụng sẽ bị toát mồ hôi. Sau một quá trình học kỹ năng nghề nghiệp, đến nay Đ.A đã biết dùng dao để cắt, thái hay đồ để nạo rau củ quả thành thạo. Khi giáo viên dạy cách sục sữa để pha chế cà-phê, đầu tiên Đ.A rất sợ, lúc chẳng may chạm vào đồ nóng là giãy nảy. Lúc đó, giáo viên đã hỗ trợ lót cái khăn bên dưới, dần dần hướng dẫn và giảm dần sự hỗ trợ. Cuối cùng Đ.A cũng tự làm được. Mặc dù kết quả trình bày chưa đẹp lắm nhưng quan trọng là Đ.A đã vượt qua được nỗi sợ hãi ban đầu về đồ nóng, dao kéo.
D.S, cũng là một bạn nam, đã 23 tuổi nhưng rất sợ cắt móng tay, hầu như D.S chưa tự cắt móng tay bao giờ. Còn những việc đòi hỏi sự khéo léo và tập trung mọi người thường không để bạn làm, vì sợ không làm được, gây đổ vỡ hoặc làm không sạch. Nhưng đến với dự án, nội dung về kỹ năng sống, chủ đề vệ sinh cá nhân là một trong những nội dung và kỹ năng học viên phải thực hành.
Trao quyền cho người khuyết tật
Trong cuộc sống hằng ngày, người khuyết tật, khiếm khuyết trí tuệ thường làm một số công việc phổ biến mang tính chất lao động chân tay nhẹ nhàng như: thợ may gia công, làm hàng thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, bà Michelle Beard lại có cách tiếp cận khác: Bà muốn người khuyết tật, khiếm khuyết trí tuệ được làm việc ở môi trường có thể giao lưu, tương tác với cộng đồng, nhằm thay đổi cách nhìn nhận và hành xử của cộng đồng đối với họ. Bà thấy rằng sau khi được đào tạo, nhiều người khuyết tật làm việc rất tốt. Họ còn có khả năng thay đổi môi trường chung quanh.
Cô giáo Lê Bích Vân, phụ trách dự án chia sẻ: Học viên của dự án trong quá trình học tập kỹ năng đào tạo nghề sẽ được thực hành ngay tại các nhà hàng, quán cà-phê để có thể làm quen với công việc sau này khi học xong. Môi trường làm việc cho các bạn học viên sau khi kết thúc khóa học là điều mà bà Michelle Beard rất trăn trở, bởi đó là cái đích cuối cùng mà dự án đề ra: "Ban đầu, Imago Work liên hệ với các doanh nghiệp, thuyết phục họ cho phép học viên đến thực hành kỹ năng. Thường thì chúng tôi không phải thuyết phục nhiều, mọi người đều thông cảm và đồng ý. Học viên của chúng tôi thật sự làm việc rất tốt nên doanh nghiệp cũng có lợi. Chúng tôi vẫn luôn tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Việt Nam, các quán cà-phê, nhà hàng và khách sạn sẵn sàng thuê học viên của chúng tôi vào làm. Hiện nay, các học viên đã ra trường đều có công việc ổn định, được trả lương và đối xử công bằng như mọi nhân viên khác".
Thật may mắn khi ông bà Michael Beard và Michelle Beard có những cộng sự cùng chung suy nghĩ. Một trong số đó là Jason Weimer, người sáng lập mô hình Simple Coffee, nơi nhận người khuyết tật vào làm việc tại Thái Lan năm 2013. Năm 2018, ông Michael Beard cùng một số cổ đông mở Simple Coffee ở Hà Nội, giữ nguyên tiêu chí là trao quyền cho người khuyết tật, khiếm khuyết trí tuệ có thể tự sinh sống và làm việc độc lập. Evan - con trai thứ hai của bà Michelle Beard, chính là một trong những nhân viên đầu tiên của quán. Ở Simple Coffee tất cả nhân viên đều bình đẳng như nhau về vị trí cũng như công việc hằng ngày.
Các học viên không chỉ có Simple Coffee Hà Nội là nơi thực tập, hiện nay bà Michelle Beard đã liên hệ với một số quán cà-phê khác để hỗ trợ học viên nơi thực hành. Mới đây nhất, một học viên của Imago Work đã hoàn thành sáu tháng thực tập và chuẩn bị được ký hợp đồng thử việc tại chuỗi Joma Bakery Café. Hay như bạn P.A, học viên của khóa đầu đang thực tập tại bộ phận bếp bánh của InterContinental Westlake. Nhà hàng NYC Pizza HaNoi cũng đã đồng ý trở thành đối tác tiếp theo của Imago Work. Học viên của Imago Work sẽ có thêm những cơ hội được làm việc lấy kinh nghiệm, thực hành những kỹ năng học được trong khóa học.
Nếu như Simple Coffee hay Joma Bakery Café là những mô hình kinh doanh đồ ăn uống do người nước ngoài quản lý thì KymViet là doanh nghiệp của người Việt, dành cho người khuyết tật (câm điếc). Bên cạnh tạo việc làm, thu nhập cho người yếu thế, công ty đã thành công khi xây dựng chuỗi quán cà-phê và sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dịch vụ giáo dục trải nghiệm.
Khi được hỏi về những nội dung mà dự án Imago Work đang triển khai, anh Việt Hoài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty KymViet chia sẻ: "Đây là một dự án rất hay và có ý nghĩa đối với những bạn khuyết tật cũng như khiếm khuyết trí tuệ. Trong tương lai tôi mong muốn có thể kết hợp với Imago Work mở một đến hai cơ sở cà-phê mới trong chuỗi mà KymViet đang thực hiện, lúc đó chúng tôi có thể tuyển các bạn của Imago Work vào làm nhân viên bán hàng".
Điểm giống nhau trong ý tưởng của Joma Bakery Café, Simple Coffee, NYC Pizza HaNoi, InterContinental Westlake và KymViet là họ đều tạo ra một không gian làm việc mở để người khuyết tật có cơ hội giao lưu, tương tác với cộng đồng; để chính những người bình thường học được cách hòa nhập, cảm thông và coi trọng những người khác biệt.
Sau một thời gian triển khai, dự án Imago Work bước đầu đã đem lại cơ hội làm việc cho các bạn khuyết tật cũng như khiếm khuyết trí tuệ, giúp họ tự tin hơn trong cuộc sống, có thể tự làm những điều mà trước đây chưa thể, tự tin hòa nhập với xã hội mà không còn phải phụ thuộc vào gia đình ■
Tuấn Dũng/Báo Nhân Dân
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/xa-hoi/tang-co-hoi-viec-lam-cho-nguoi-yeu-the-58141.html