Tăng cường bảo đảm an toàn giao thông cuối năm
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ đạo tới các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ủy ban ATGT Quốc gia về việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) quý IV năm 2020.
Văn bản nêu rõ, ngay trong những ngày đầu tháng 10/2020 lại tiếp tục xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng do người điều khiển phương tiện uống rượu, bia gây ra.
Để khắc phục ngay các tồn tại của 9 tháng đầu năm và thực hiện hiệu quả nhiệm vụ bảo đảm TTATGT quý IV năm 2020, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban ATGT Quốc gia kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm Kế hoạch năm An toàn giao thông năm 2020, phát động phong trào thi đua bảo đảm TTATGT giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm TTAGT dịp cao điểm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và Lễ hội xuân 2021; tổng kết công tác Năm ATGT 2020 và xây dựng Kế hoạch Năm ATGT 2021…
Bộ GTVT tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chính sách bảo đảm TTATGT, trọng tâm là hoàn thiện Dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) theo ý kiến của Quốc hội tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đề án “Chiến lược Quốc gia về bảo đảm TTATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050” bảo đảm tiến độ, chất lượng; nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định số 100/2019/NĐ-CP theo hướng bổ sung quy định xử phạt đối với chủ phương tiện và người đứng đầu đơn vị kinh doanh vận tải có lỗi để người điều khiển phương tiện gây tai nạn giao thông nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự…
Đồng thời, tổ chức thanh tra, kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải trong việc chấp hành quy định về hoạt động vận tải đường bộ, quản lý xe, triển khai ứng dụng công nghệ cao để quản lý phương tiện và người điều khiển phương tiện kinh doanh vận tải (về thời gian lái xe, hành trình của phương tiện…), phát huy hiệu quả việc quản lý thông tin từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện, kiểm soát hoạt động thực tế của phương tiện khi tham gia giao thông, thời gian lái xe liên tục và thời gian làm việc trong ngày của lái xe theo đúng quy định.
Với Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Tập trung xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về TTATGT; trọng tâm là dự án Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ để trình Quốc hội khóa XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, đồng thời xây dựng Báo cáo đánh giá tác động của những đề xuất mới, được dư luận xã hội quan tâm trong Dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT, đặc biệt là đối với việc sắp xếp cán bộ, công chức, người lao động của Bộ Giao thông vận tải và các địa phương hiện đang làm công tác quản lý, sát hạch cấp giấy phép lái xe; đánh giá đầy đủ, toàn diện hiệu quả về kinh tế, xã hội của việc đề xuất chuyển công tác quản lý giấy phép lái xe từ ngành Giao thông vận tải sang ngành Công an.
Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông duy trì thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông, đặc biệt là vi phạm về ma túy, nồng độ cồn, tốc độ, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm đối với người đi môtô, xe máy, xe đạp điện, đặc biệt vào khung giờ từ 21h ngày hôm trước đến 5h ngày hôm sau; cương quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm hành vi đua xe trái phép; trấn áp hiệu quả các hành vi chống người thi hành công vụ trong bảo đảm TTATGT.
Trong quá trình điều tra, giải quyết các vụ TNGT, ngoài việc xác định nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, phải quan tâm xác minh làm rõ nguyên nhân sâu xa (hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông không bảo đảm an toàn...), điều kiện dẫn đến TNGT và xác định lỗi của tập thể, cá nhân trong các vụ tai nạn để phục vụ công tác phòng ngừa và xử lý vụ tai nạn được chính xác, khách quan, đúng quy định của pháp luật.
Phối hợp với cơ quan truyền thông, chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT và cảnh báo nguy hiểm cho người dân sinh sống, tham gia giao thông trên các tuyến giao thông có tình hình TTATGT phức tạp, có nguy cơ dẫn đến TNGT và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra TNGT…
Tương tự, văn bản cũng nhấn mạnh: Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các đô thị trực thuộc trung ương cần tăng cường thực hiện 5 nhóm giải pháp trước mắt để khắc phục ùn tắc giao thông phân luồng từ xa tạo dòng giao thông tránh các khu vực, các đoạn tuyến, các điểm có mật độ giao thông lớn, trong giờ cao điểm; tăng cường lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các lực lượng chức năng khác tổ chức phân luồng, điều tiết theo khu vực và tại hiện trường, xử lý nhanh các sự cố giao thông; tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ xe buýt; hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân trong khu vực, tuyến trọng điểm và trong giờ cao điểm; thiết lập lại và duy trì trật tự, kỷ cương đối với giao thông đô thị; xử lý nghiêm vi phạm trật tự đô thị, TTATGT.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-thong/tang-cuong-bao-dam-an-toan-giao-thong-cuoi-nam-617922/