Tăng cường bảo vệ lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng
Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, người tiêu dùng, chiều 12/1, Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng đã tổ chức lễ ra mắt văn phòng chi nhánh tại Hà Nội.
Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu pháp luật bảo vệ doanh nghiệp và người tiêu dùng Dương Thị Kim Yến cho biết, để thực hiện tốt vai trò và chức năng, cần có sự chung sức của tập thể, sự ủng hộ của Liên hiệp, cũng như các cơ quan liên quan, đội ngũ cố vấn.
Hiện nay, với mức độ phát và văn minh của quốc gia không chỉ được đánh giá bằng tốc độ tăng trưởng của GDP, thu nhập bình quân đầu người mà còn phụ thuộc vào giá trị công bằng và khả năng thực thi pháp luật. Vì thế, pháp luật về quyền của người tiêu dùng và của doanh nghiệp luôn là bộ phận không thể thiếu trong hệ thống pháp luật thương mại của các quốc gia, trở thành vấn đề pháp lý quốc tế, Việt Nam không là ngoại lệ.
Tại Việt Nam, pháp luật luôn hướng đến việc bảo vệ sự công bằng và duy trì tính minh bạch của các đối tượng là doanh nghiệp, người tiêu dùng. Những hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của doanh nghiệp, người tiêu dùng thường sẽ gây ra những tồn thất, hậu quả lớn nếu không có sự bảo vệ một cách khách quan, công bằng.
"Chúng tôi cho rằng, trách nhiệm bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng cần có sự phối hợp của nhiều cơ quan pháp luật khác nhau để xử lý vi phạm tùy theo đối tượng thực hiện hành vi, đặc biệt phải lưu ý đến quan hệ giữa pháp luật cạnh tranh và pháp luật bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp, người tiêu dùng. Vì vậy, trên tinh thần vì lợi ích quốc gia, lợi ích cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, với đường hướng phát triển và kế hoạch hoạt động của Viện, tôi sẽ mang lại nhiều giá trị thiết thực" - bà Dương Thị Kim Yến nói.
Theo Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Quý, pháp luật là cơ sở nền tảng để điều chỉnh các hành vi cá nhân, các quan hệ xã hội, bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững. Vấn đề có tính then chốt là pháp luật phải đi vào cuộc sống nhằm phát huy giá trị. Thông qua quá trình thực hiện pháp luật, các quyền, lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức được đảm bảo. Viện ra đời là bước tiến nhẩy vọt, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của đời sống, phát huy tính toàn diện từ lợi ích của doanh nghiệp gắn với quyền lợi của người tiêu dùng.
Do đó, để phát triển bền vững, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp phải có trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng theo quy định của pháp luật. Bởi, nhu cầu và đòi hỏi của người tiêu dùng về chất lượng dịch vụ, hàng hóa ngày càng cao.
Những sản phẩm không rõ về nguồn gốc, nhãn mác, chất lượng, hạn sử dụng... sẽ bị tẩy chay, không thể tồn tại. Các doanh nghiệp muốn chiếm lĩnh niềm tin phải đi vào thực chất, thay vì quảng cáo quá mức về công dụng sản phẩm để nâng cao uy tín, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
"Để công tác bảo vệ quyền lợi được đảm bảo, cần sự chủ động tham gia của doanh nghiệp và chính người tiêu dùng. Muốn có sự chuyển biến thực chất, mạnh mẽ, vai trò then chốt nằm ở kênh thông tin tiếp nhận, phản ánh về pháp luật giúp doanh nghiệp và người tiêu dùng có nơi để tìm tới, được hướng dẫn, tư vấn, giải quyết khiếu nại, bảo vệ... Đây chính là nhiệm vụ cần phát huy của Viện" - Phó Chánh Văn phòng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh.
Nhân sự kiện ra mắt, Ban Tổ chức đã trao chứng nhận khóa 1 cho các học viên; diễn ra lễ ký kết giữa các đơn vị để mục đích phát triển Viện.