Tăng cường bảo vệ môi trường làng nghề
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, việc bảo vệ cảnh quan môi trường cũng được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm, nhất là tại các làng nghề. Nhờ đó, trong những năm gần đây, chất lượng môi trường tại làng nghề đã được cải thiện đáng kể, không phát sinh khu vực làng nghề bị ô nhiễm.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 58/65 làng nghề được công nhận đang hoạt động, bao gồm 32 làng nghề truyền thống, 26 làng nghề với khoảng 7.500 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Đối với hầu hết các nhóm ngành nghề chính như: chế biến lương thực, thực phẩm; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, dệt nhuộm, trong quá trình sản xuất phát sinh lượng lớn nước thải, chất thải ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Trước thực tế đó, công tác bảo tồn, phát triển làng nghề được các địa phương trong tỉnh xác định phải gắn liền với bảo vệ môi trường. Do đó, chất lượng môi trường tại các làng nghề dần được cải thiện.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường, trong năm 2024, toàn tỉnh có thêm 12 làng nghề có phương án bảo vệ môi trường được UBND huyện phê duyệt, nâng tổng số làng nghề bảo đảm tiêu chí về bảo vệ môi trường (BVMT) lên 32 làng nghề (chiếm trên 55% số làng nghề đang hoạt động). Chất lượng môi trường không khí tại các làng nghề có chuyển biến tích cực, cơ bản nằm trong giới hạn cho phép. Chất thải rắn sinh hoạt tại các làng nghề được thu gom, đưa về các điểm tập kết rác thải và vận chuyển về các nhà máy xử lý theo quy định với tỷ lệ đạt trên 98%. Chất thải rắn sản xuất tại các làng nghề phát sinh chủ yếu là phế phẩm, phế liệu (đầu mẩu gỗ, tre nứa...) hiện đã được các hộ thu gom tái sử dụng làm chất đốt hoặc bán cho người đi thu mua để làm nguyên liệu phục vụ các ngành nghề khác như: sản xuất giấy, than, hương... Còn đối với chất thải nguy hại, gồm các loại vỏ bao bì chứa thuốc nhuộm, dầu mỡ, hóa chất, giẻ lau, găng tay dính dầu, mỡ, hóa chất, bóng đèn huỳnh quang hỏng… được các hộ sản xuất quy mô lớn thực hiện hợp đồng với các đơn vị chức năng để thu gom, xử lý theo quy định.
Chẳng hạn như tại làng nghề truyền thống trống Đọi Tam (xã Tiên Sơn, Duy Tiên), sự phát triển của trên 60 cơ sở sản xuất gây ra tiếng ồn cộng với lượng lớn bụi gỗ, hóa chất, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống. Trước thực trạng này, thời gian qua, xã Tiên Sơn đã quan tâm đầu tư, nâng cấp hệ thống thu gom, thoát nước thải, nước mưa, bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề, không để xảy ra tắc nghẽn, tù đọng, ngập úng, gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, thôn Đọi Tam cũng đã thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của tổ tự quản về BVMT làng nghề, thực hiện việc giám sát, nhắc nhở, đôn đốc hộ làm nghề thực hiện tốt các biện pháp BVMT trong sản xuất, kinh doanh. Ông Phạm Công Kiểm, Trưởng thôn Đọi Tam cho biết: Hiện, các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề của thôn đã nỗ lực áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường như lọc bụi túi vải, dập bụi bằng nước. Nước thải trong sản xuất được thu gom, xử lý bằng bể tự hoại ba ngăn; chất thải rắn là mùn cưa, đầu gỗ vụn được các hộ thu gom, tái chế, tái sử dụng; chất thải rắn không tái chế được thu gom, bốc xúc, vận chuyển về nhà máy xử lý.

Chất thải rắn là mùn cưa, đầu gỗ vụn tại các làng nghề sản xuất gỗ ở Lý Nhân được các hộ thu gom, tái chế, tái sử dụng nhằm hạn chế ảnh hưởng đến môi trường.
Được biết, thị xã Duy Tiên có 9 làng nghề đang hoạt động, thường xuyên thu hút khoảng 2.200 lao động tham gia làm nghề. Xác định, phát triển làng nghề bền vững phải gắn liền với công tác BVMT, hằng năm, UBND thị xã đều phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra, đánh giá công tác BVMT, hiệu quả của các ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn. Cùng với đó, chỉ đạo phòng chuyên môn kiểm tra việc thực hiện cam kết BVMT của các làng nghề, hộ sản xuất kinh doanh, hướng dẫn các chủ thể viết cam kết BVMT; khuyến khích cho các cơ sở sản xuất đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ hiện đại phục vụ sản xuất nhằm hạn chế bụi bẩn, ảnh hưởng đến môi trường. Đồng thời, hướng dẫn xã, phường có làng nghề xây dựng phương án BVMT làng nghề trình UBND thị xã phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Quý Hùng, Phó Chủ tịch UBND thị xã Duy Tiên, hiện nay, các làng nghề của thị xã đã thành lập tổ thu gom rác thải, tổ tự quản về BVMT làng nghề cũng như xây dựng hương ước, quy ước về bảo vệ môi trường làng nghề. Do đó, các loại rác thải, chất thải rắn trong các làng nghề đều được thu gom, xử lý theo quy định. Hiện, thị xã cũng đang tích cực chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu thông báo mời các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm Công nghiệp làng nghề Nha Xá (xã Mộc Nam) và Cụm Công nghiệp làng nghề Tiên Sơn (xã Tiên Sơn) để di dời các hộ sản xuất của làng nghề ra khu tập trung, hạn chế sản xuất trong khu dân cư, làm ảnh hưởng đến chất lượng môi trường.
Tương tự, tại huyện Lý Nhân, với số lượng làng nghề lớn (gồm 15 làng nghề truyền thống, 7 làng nghề), những năm qua, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các làng nghề trên địa bàn huyện đều đã xây dựng hương ước, quy ước, kế hoạch BVMT. UBND các xã chỉ đạo các thôn, xóm thành lập tổ thu gom rác thải và duy trì việc thu gom rác thải, vận chuyển tới các điểm trung chuyển. Chất thải rắn chủ yếu từ nhóm nghề đan lát, tre nứa, chất thải rắn từ sản xuất đồ gỗ được tận dụng làm củi đun ngay tại các hộ gia đình. Thống kê của phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Lý Nhân cho thấy, đến nay, 11 làng nghề của huyện đã có phương án BVMT được các cấp có thẩm quyền phê duyệt. UBND huyện cũng đã ban hành văn bản và chỉ đạo các ngành chuyên môn đôn đốc các làng nghề chưa có phương án BVMT hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền phê duyệt trong thời gian tới.
Dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác BVMT làng nghề nhưng theo đánh giá của ngành chức năng, cho đến nay, các làng nghề vẫn gặp khó khăn trong việc xử lý nước thải sản xuất. Tại các làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, dệt nhuộm vải, tình trạng ô nhiễm nước mặt vẫn diễn ra, chủ yếu là ô nhiễm chất hữu cơ do các làng nghề không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung. Nước thải tại các cơ sở sản xuất của làng nghề chủ yếu được thu gom, xử lý sơ bộ bằng hố lắng, bể tự hoại, sau đó thải ra môi trường tiếp nhận là các ao, hồ, rãnh thoát nước trong khu vực làng nghề. Trong khi đó, hầu hết các ao hồ không được lưu thông, nạo vét, khơi thông dòng chảy thường xuyên.
Để cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác BVMT làng nghề, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước trong triển khai các dự án, đề án, quy hoạch khu sản xuất tập trung, các địa phương có làng nghề cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về phát triển ngành nghề nông thôn, công tác bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với BVMT. Cùng với đó, khuyến khích các cơ sở đầu tư, đưa công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động đến môi trường; tích cực kêu gọi xã hội hóa các dự án xử lý nước thải làng nghề…