Tăng cường bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ

Trước những diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu, việc bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ được xem là giải pháp quan trọng giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Thực hiện Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025, Chi cục Kiểm lâm tỉnh chỉ đạo hạt kiểm lâm các địa phương bám sát địa bàn, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về rừng phòng hộ, đồng thời, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến khai thác, sử dụng đất rừng sai quy định.

Cán bộ Hạt kiểm lâm Sông Lô thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia quản lý, trồng và bảo vệ rừng. Ảnh Nguyễn Lượng

Cán bộ Hạt kiểm lâm Sông Lô thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia quản lý, trồng và bảo vệ rừng. Ảnh Nguyễn Lượng

Tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là 33,4 nghìn ha, trong đó, diện tích rừng phòng hộ là 4.157 ha. Thời gian qua, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản về tăng cường công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn cháy rừng, phá rừng gây hậu quả nghiêm trọng.

Giai đoạn 2015 – 2021, lực lượng kiểm lâm tỉnh phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý 118 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, thu nộp ngân sách nhà nước 1,28 tỷ đồng; toàn tỉnh xảy ra 23 vụ cháy rừng, thiệt hại 51 ha rừng, giảm cả về số vụ và diện tích so với giai đoạn trước.

Công tác sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng được cấp ủy Đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở quan tâm, chỉ đạo, giám sát, có sự tham gia, đóng góp của người dân và chủ rừng. Giai đoạn 2015 – 2021, toàn tỉnh trồng được hơn 4.600 ha rừng tập trung, trong đó, diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng trồng mới là 148,5 ha, các loại cây được lựa chọn trồng là cây lâu năm như mỡ, keo, lát hoa…

Để gắn lợi ích kinh tế của người dân với công tác bảo vệ và phát triển rừng, ngoài diện tích rừng sản xuất, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với một số đơn vị chuyên môn nghiên cứu, triển khai trồng hơn 100 ha cây dược liệu dưới tán rừng; khuyến khích, hướng dẫn người dân trồng cây dưới tán rừng cho hiệu quả kinh tế cao.

Đồng chí Lê Đức Nguyên, Trưởng phòng Sử dụng đất và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: Thực hiện Kế hoạch quản lý, bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025 của UBND tỉnh, ngành kiểm lâm phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời, định hướng, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế từ rừng, gắn công tác bảo vệ và phát triển rừng với lợi ích kinh tế.

Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp quản lý nhà nước đối với diện tích rừng phòng hộ hiện có, thường xuyên cập nhật, theo dõi kịp thời các biến động về rừng và đất rừng phòng hộ để phục vụ công tác điều tra, chỉ đạo chuyên môn trong hoạt động lâm nghiệp tại các khu rừng phòng hộ.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin viễn thám, công nghệ GIS.., lập dự án đóng mốc, bảng, phân định ranh giới rừng phòng hộ với các loại rừng, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ rừng.

Kiểm tra, rà soát diện tích rừng phòng hộ kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn theo quy định để lập hồ sơ thanh lý, lên kế hoạch trồng lại; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, xâm lấn đất rừng trái phép, kiểm tra định kỳ công tác phòng cháy theo quy định đối với các khu rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh.

Tại huyện Sông Lô, một trong những địa phương có diện tích rừng phòng hộ lớn của tỉnh với 1.440 ha. Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Sông Lô Vũ Ngọc Hiến cho biết: “Xác định rõ công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng là nhiệm vụ quan trọng, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm chính đối với các vụ phá rừng, cháy rừng, mất rừng thuộc phạm vi, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý.

Lực lượng kiểm lâm đã phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn và người dân trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt tại những nơi có diện tích rừng phòng hộ.

Năm 2021, UBND tỉnh đã phê duyệt cho huyện trồng mới 19,8 ha rừng phòng hộ trên diện tích rừng kém chất lượng, loại cây thay thế là cây mỡ. Ngoài ra, hạt cũng triển khai thí điểm mô hình trồng rừng kết hợp cây dược liệu có giá trị kinh tế cao dưới tán rừng phòng hộ; lựa chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên, ưu tiên trồng cây bản địa, có tán lá rậm, thường xanh, hệ rễ phát triển, tuổi thọ của cây dài như mỡ, lát hoa, thông...; sử dụng phương thức trồng thuần loại cây bản địa hoặc trồng theo băng, theo đám cây bản địa và cây phụ trợ với mật độ từ 1330 - 1600 cây/ha”.

Để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trong thời gian tới, bên cạnh việc chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn vốn sự nghiệp và Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; phê duyệt dự án xây dựng công trình hệ thống đường phòng cháy chữa cháy rừng kế hợp dân sinh; chỉ đạo triển khai dự án đóng mốc, bảng phân định ranh giới rừng phòng hộ và rừng sản xuất trên bản đồ và thực địa, điều chỉnh quy hoạch lại 3 loại rừng từ nguồn vốn đầu tư phát triển…

Với các giải pháp đồng bộ về cơ chế hỗ trợ, hành lang pháp lý, công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ trên địa bàn tỉnh sẽ được giữ vững, góp phần cải thiện môi trường, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hoàng Sơn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/79264/tang-cuong-bao-ve-va-phat-trien-rung-phong-ho.html