Tăng cường biện pháp mạnh bảo vệ bản quyền trên không gian mạng
Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, bảo vệ bản quyền trong môi trường thương mại điện tử đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố pháp lý, công nghệ và trách nhiệm của các bên liên quan.
Hội nghị - Hội thảo Tuyên truyền, phổ biến các Điều ước quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác sử dụng do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTT&DL) nhấn mạnh, vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan đang được quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của công nghệ số và thương mại điện tử.
Theo bà Kim Oanh, thương mại điện tử đang bùng nổ trên toàn cầu, mở ra cơ hội lớn cho việc kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế mới. Việc mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ trên các nền tảng trực tuyến đã tạo ra cuộc cách mạng trong cách thức giao thương và tương tác kinh tế. Tuy nhiên, sự phát triển này kéo theo không ít thách thức, đặc biệt đối với quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có bản quyền.
“Trong môi trường thương mại điện tử, việc bảo vệ bản quyền trở nên phức tạp hơn. Các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép, phân phối mà không có sự kiểm soát đầy đủ. Những hành vi xâm phạm bản quyền như tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ đang gây thiệt hại lớn cho các chủ sở hữu bản quyền và làm suy yếu nền kinh tế sáng tạo”, bà Kim Oanh khẳng định.
Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả nhận định, bảo vệ bản quyền trong môi trường thương mại điện tử đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa yếu tố pháp lý, công nghệ và trách nhiệm của các bên liên quan. Các công cụ pháp lý hiện tại cung cấp một số giải pháp quan trọng, nhưng trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi xâm phạm bản quyền tinh vi cần có những biện pháp mạnh mẽ hơn.
Bà Kim Oanh cho biết, chúng ta đã và đang chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8/9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan. Trong đó, có 2 Hiệp ước của tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về bản quyền trên Internet...
Các thỏa thuận này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của tác giả và nhà sáng tạo mà còn tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để xử lý vi phạm.
"Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển; đồng thời đem đến những thách thức mà chúng ta phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập”, bà Kim Oanh khẳng định.
Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, khi doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, họ không chỉ đối mặt với quy định pháp luật của quốc gia mình mà còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế. Những hành vi xâm phạm bản quyền trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, cũng như việc xử lý vi phạm trên không gian mạng, đòi hỏi sự phối hợp và hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia, tổ chức quốc tế và các nền tảng trực tuyến.
Do đó, để giải quyết vấn đề này, cần có hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ, và sự hợp tác quốc tế. Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường biện pháp giám sát và xử lý vi phạm, đồng thời các nền tảng thương mại điện tử cần áp dụng những công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát, ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích, giúp phát hiện và ngừng các hành vi xâm phạm ngay từ khi chúng xuất hiện. Việc xây dựng chính sách bảo vệ bản quyền rõ ràng và công khai trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dùng và các tác giả.