Tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025
Ngày 6-1, Bộ NN&PTNT đã ban hành văn bản về việc tăng cường biện pháp quản lý, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Nhằm tăng cường hơn nữa công tác bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm các sản phẩm nông, lâm, thủy sản, ngăn chặn triệt để các vụ việc vi phạm an toàn thực phẩm trong tiêu dùng thực phẩm thường xuyên của nhân dân, nhất là trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Bộ NN&PTNT đề nghị các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn, chính quyền các cấp phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để phổ biến quy định pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại và hậu quả của việc sử dụng chất cấm, ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất ban đầu, thu hoạch, bảo quản, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm sản và thủy sản. Cùng với đó, phổ biến, công khai, cập nhật thông tin để người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nông sản có nguồn gốc rõ ràng, từ các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm; tăng cường thông tin, truyền thông về nguy cơ an toàn thực phẩm.
Chủ động phối hợp với thành viên của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phát động và thực hiện phong trào khuyến khích, vận động người dân tham gia giám sát bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm từ cơ sở; xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh, tố giác hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm từ cấp cơ sở. Chỉ đạo các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tổ chức các đoàn công tác liên ngành và theo chức năng được phân công, phân cấp để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm nông sản có nguy cơ cao, gây mất an toàn thực phẩm, nhu cầu tiêu dùng lớn trong dịp lễ, Tết của người dân (sản phẩm ăn liền, sản phẩm có yêu cầu điều kiện bảo quản đặc biệt, thời gian sử dụng ngắn; sản phẩm dễ bị lạm dụng sử dụng chất cấm, chất ngoài danh mục được phép sử dụng, các đối tượng có chứa độc tố tự nhiên, sản phẩm có rủi ro cao về vi sinh vật gây bệnh…). Các vi phạm về an toàn thực phẩm phát hiện phải được xử lý nghiêm, bảo đảm tính răn đe và công khai trên phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, các lực lượng chức năng tổ chức lấy mẫu giám sát tăng cường đối với sản phẩm nông sản có nguy cơ cao mất an toàn thực phẩm tại cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, chợ đầu mối, cơ sở chuyên doanh nông sản.