Tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) yêu cầu tăng cường các đoàn kiểm tra liên ngành để đảm bảo an toàn thực phẩm trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng cao trước dịp Tết Nguyên đán.

Bộ NNPTNT yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết. Ảnh: ST

Bộ NNPTNT yêu cầu tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết. Ảnh: ST

Trong thời gian gần đây, các cơ quan chức năng tại nhiều địa phương liên tiếp phát hiện các vụ việc vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP), đặc biệt trong sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm.

Đơn cử như tại tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 6 cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng chất cấm, trong khi tại TP. Đà Nẵng, một cơ sở sản xuất giò chả bị phát hiện sử dụng hàn the. Hay mới đây nhất là vụ ngộ độc rượu làm nhiều người phải nhập viện cấp cứu, trong đó có một số trường hợp tử vong xảy ra tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, TP. Hà Nội… gây hoang mang trong dư luận.

Nhằm đảm bảo vệ sinh, ATTP, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Bộ NNPTNT đề nghị các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo ATTP.

Cụ thể, các cơ quan địa phương cần phối hợp với các phương tiện truyền thông để phổ biến các quy định pháp luật về ATTP, đồng thời cảnh báo tác hại của việc sử dụng chất cấm trong sản xuất thực phẩm đến sức khỏe của người dùng và các chế tài xử lý vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong vấn đề này.

Đẩy mạnh phong trào vận động người dân tham gia giám sát đảm bảo vệ sinh ATTP từ cơ sở. Bên cạnh đó, xây dựng kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh, tố giác hành vi vi phạm về ATTP từ cấp cơ sở.

Bộ NNPTNT yêu cầu các cơ quan quản lý ATTP tổ chức các đoàn công tác liên ngành để thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông sản, đặc biệt là các cơ sở sản xuất sản phẩm thực phẩm nông sản có nguy cơ cao gây mất ATTP.

Các vi phạm về ATTP phát hiện phải được xử lý nghiêm túc, tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật để ngăn chặn các hành vi sai phạm trong sản xuất và tiêu thụ thực phẩm.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần bố trí đầy đủ nguồn lực để tổ chức các đợt giám sát và lấy mẫu tăng cường đối với các sản phẩm nông sản có nguy cơ cao mất ATTP.

Những đợt giám sát này cần được thực hiện tại các cơ sở sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, các chợ đầu mối và các cơ sở chuyên doanh nông sản../.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/tang-cuong-cac-bien-phap-dam-bao-an-toan-thuc-pham-dip-tet-37574.html