Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue
Theo ngành y tế tỉnh Đồng Tháp, hiện nay là thời điểm chuẩn bị bước vào mùa mưa, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD) dự báo có chiều hướng diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát thành dịch lớn. Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (KSBT) tỉnh, Trung tâm Y tế (TTYT) các huyện, thành phố tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXHD, không để hình thành ổ dịch lớn, góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Số ca nhiễm SXHD tăng mạnh
Những ngày qua, tại huyện Hồng Ngự liên tục ghi nhận số ca mắc SXHD ở mức cao nhất tỉnh. Theo số liệu của Phòng Y tế huyện, tính đến ngày 28/4, toàn huyện ghi nhận 118 ca mắc SXHD, trong đó có 5 ca nặng và có 1 ca tử vong (bé trai 11 tuổi, ngụ tại ấp Bình Hòa Hạ, xã Thường Lạc). So với cùng kỳ năm 2021, số ca mắc SXHD trên địa bàn tăng 95 ca. Đáng lo ngại, SXHD có dấu hiện lưu hành tại hầu hết các xã, thị trấn, đặc biệt một số địa phương có ca mắc cao như: Thường Phước 1 (36 ca), Thường Lạc (28 ca), Thường Thới Tiền (21 ca),...
Bác sĩ Chuyên khoa II (BSCKII) Nguyễn Hoàng Lâm - Trưởng Phòng Y tế huyện Hồng Ngự cho biết: “Theo dự báo của ngành y tế, năm nay là năm của chu kỳ dịch SXHD, bởi theo yếu tố dịch tễ về SXHD, thì cứ 3-5 năm sẽ xảy ra một đợt dịch lớn. Riêng huyện Hồng Ngự là địa phương có dịch SXHD lưu hành ở mức cao trong hàng chục năm qua. Do vậy, từ đầu năm đến nay, dù lượng mưa chưa nhiều nhưng SXHD lại xuất hiện sớm hơn so với cùng kỳ. Dịch SXHD trên địa bàn huyện diễn biến hết sức phức tạp trong những tháng đầu năm và được dự báo tiếp tục có chiều hướng khó lường trong thời gian tới”.
Còn tại TP Cao Lãnh, số ca SXHD cũng có chiều hướng xuất hiện thường xuyên hơn trong thời gian gần đây. Cộng dồn đến tuần thứ 17 của năm 2022, toàn địa bàn ghi nhận 58 ca mắc SXHD (có 3 ca nặng, không có trường hợp tử vong), tăng 18 ca so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh số ca mắc có dấu hiệu tăng, trên địa bàn thành phố cũng xuất hiện 29 ổ dịch SXHD. Ngay khi phát hiện ổ dịch, đội đáp ứng nhanh TTYT TP Cao Lãnh phối hợp Trạm y tế (TYT) xã, phường tiến hành các bước xử lý theo quy trình như: xử lý lăng quăng và phun hóa chất diệt muỗi không để ổ dịch lan rộng...
Thống kê của Trung tâm KSBT tỉnh, tính đến ngày 25/4/2022 (tuần 17), số ca nhiễm SXHD tại hầu hết các huyện, thành phố trong tỉnh đều có dấu hiệu tăng so với năm 2021. Theo đó, toàn tỉnh ghi nhận 589 trường hợp mắc bệnh SXHD, tăng 182 ca (tương đương 44,30%) so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, số ca nặng là 22 ca, 1 trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca mắc SXHD ở mức cao là huyện Hồng Ngự (118 ca), TP Hồng Ngự (81 ca), huyện Cao Lãnh (71 ca), huyện Lấp Vò (68 ca) và TP Cao Lãnh (58 ca).
Nhận định nguyên nhân số ca SXHD tăng trên địa bàn tỉnh, BSCKII Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh cho biết: “Qua giám sát số ca bệnh SXHD, chúng tôi nhận thấy diễn biến dịch bệnh khá phức tạp. Kể từ tuần thứ 6 của năm 2022, số ca mắc SXHD bắt đầu tăng trên diện rộng và tăng cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Về kết quả giám sát côn trùng cho thấy, lượng muỗi cũng xuất hiện mật độ cao hơn nhiều so với năm 2021. Hiện tượng này có thể lý giải do nhiều yếu tố, trong đó diễn biến thời tiết thất thường, mưa, nắng đan xen nhau và nền nhiệt độ trung bình các ngày ở mức cao là những điều kiện thuận lợi để muỗi phát triển nhanh hơn...”.
Tăng cường biện pháp phòng, chống dịch SXHD
Trước diễn biến phức tạp, khó lường của dịch SXHD, Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm KSBT tỉnh, TTYT các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác phòng, chống SXHD và thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng phòng bệnh lây truyền qua muỗi. Tăng cường công tác giám sát, phát hiện ca bệnh nhằm phát hiện sớm ổ dịch và những nơi nguy cơ để có biện pháp xử lý kịp thời; duy trì thực hiện công tác thống kê báo cáo hàng ngày, hàng tuần và cập nhật, phản hồi danh sách ca bệnh. Tiến hành xử lý kịp thời các ổ dịch SXHD trong vòng 48 giờ, tránh bỏ sót ổ dịch và đảm bảo phạm vi xử lý, quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Là địa phương có số ca mắc SXHD cao nhất tỉnh, những ngày qua, UBND huyện Hồng Ngự chỉ đạo Phòng Y tế, TTYT huyện giám sát và xử lý kịp thời các ổ dịch tại địa phương không để hình thành ổ dịch lớn. Khẩn trương phối hợp TYT các xã, thị trấn trên địa bàn ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, phun xịt hóa chất để diệt muỗi trên diện rộng. Bên cạnh đó, UBND huyện yêu cầu các địa phương có số ca mắc SXHD cao tiếp tục duy trì thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng với tần suất 3 ngày/lần để hạn chế thấp nhất tác nhân gây bệnh. Đồng thời kết hợp đến từng hộ gia đình tuyên truyền về dịch bệnh SXHD và nâng cao ý thức phòng bệnh trong thời điểm sắp bước vào mùa mưa...
Còn tại TP Cao Lãnh, BSCKII Trương Quốc Dũng - Giám đốc TTYT thành phố cho biết: “Để chủ động kiềm chế dịch bệnh SXHD, TTYT thành phố đã tham mưu lãnh đạo UBND TP Cao Lãnh ban hành kế hoạch thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch SXHD cho những tháng tiếp theo trong tình hình số ca mắc SXHD tăng lên. Bên cạnh đó, TTYT thành phố còn phối hợp Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân Phường 11 và TYT phường triển khai kế hoạch chiến dịch diệt lăng quăng phòng, chống dịch SXHD năm 2022 lần 1 tại địa bàn khóm 1. Đồng thời tăng cường theo dõi biểu đồ dự báo tình hình dịch SXHD TP Cao Lãnh và các xã, phường để có các cảnh báo cho TYT địa phương; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống SXHD trên hệ thống truyền thanh của thành phố và xã, phường...”.
Có thể nói, công tác phòng, chống dịch bệnh SXHD hiện nay còn nhiều khó khăn do bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vắc-xin phòng ngừa. Hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng và ý thức tự phòng bệnh của người dân là chính. Tiếp tục kiềm chế, kéo giảm số ca nhiễm, không để dịch bệnh SXHD lan rộng để góp phần bảo vệ an toàn sức khỏe người dân, BSCKII Dương Ân Hận - Phó Giám đốc Trung tâm KSBT tỉnh khuyến cáo: “Người dân chủ động vệ sinh nơi ở, nơi làm việc, lật úp, tháo rửa các dụng cụ chứa nước lớn, thả cá diệt bọ gậy một cách thường xuyên, đặc biệt là khi mùa mưa sắp bắt đầu. Ngủ mùng ngay cả ban ngày và mặc quần áo dài phòng muỗi đốt. Khi bị sốt nghi SXHD, mọi người không nên tự ý mua thuốc uống tại nhà mà cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị hiệu quả, tránh nguy cơ bệnh chuyển nặng gây nguy hiểm đến tính mạng, nhất là với trẻ em...”.