Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm

Thời gian gần đây, tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm đang diễn biến phức tạp. Hơn nữa, thời điểm cuối năm dự báo nhu cầu về thịt gia súc, gia cầm của người dân lớn, lưu lượng vận chuyển, giết mổ cũng tăng cao. Chính vì vậy, công tác phòng ngừa, kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp.

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng, thôn 3, xã Quý Lộc (Yên Định) luôn thực hiện sát khuẩn trước khi vào trang trại để phòng chống dịch bệnh cho đàn gà.

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra nhiều loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi; trong đó, có một số loại dịch bệnh đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi, ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi của tỉnh, như: bệnh dịch tả lợn châu Phi, bệnh dịch cúm gia cầm H5N6. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của ngành nông nghiệp, các địa phương và người chăn nuôi, dịch bệnh trên đàn vật nuôi đã được kiểm soát, khống chế và khắc phục.

Tại huyện Yên Định, tính đến hết năm 2020, tổng đàn lợn đạt 48.367 con, đàn gia cầm đạt 1,723 triệu con, tăng khoảng 17% so với cùng kỳ. Để phát triển đàn gia súc, gia cầm ổn định về số lượng, chất lượng, UBND huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khắc phục, phòng chống và ngăn ngừa dịch bệnh. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện, cho biết: Ngay sau khi xử lý ổn định môi trường, chuồng trại, huyện đã khuyến khích các hộ chăn nuôi đủ điều kiện thực hiện tái đàn và áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Nhờ đó, năm 2020, trên địa bàn huyện không xảy ra dịch bệnh nghiêm trọng. Đáng chú ý những giải pháp triển khai đã tạo được sự chuyển biến trong Nhân dân, hình thành tư duy chăn nuôi theo hướng bền vững.

Trong bối cảnh đàn gia súc, gia cầm đang bị nguy cơ xâm nhiễm của dịch bệnh, song hộ gia đình anh Nguyễn Văn Dưỡng, thôn 3, xã Quý Lộc (Yên Định) vẫn duy trì phát triển đàn gà khoảng 10.000 con/lứa. Đồng thời, công tác phòng chống dịch bệnh luôn được gia đình anh quan tâm chú trọng. Anh Dưỡng cho biết: Thời điểm cuối năm thời tiết giao mùa nên sức đề kháng của đàn gà kém, vì vậy gia đình phải thực hiện phòng dịch nghiêm ngặt. Được biết, từ năm 2018 đến nay, trang trại chăn nuôi gà của gia đình anh Dưỡng không xảy ra dịch bệnh. Hiệu quả kinh tế ổn định, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/năm.

Để phòng ngừa dịch bệnh, ngành nông nghiệp chỉ đạo các trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng hóa chất để phun tiêu độc, khử trùng toàn bộ các khu vực chăn nuôi, nhất là các hộ chăn lợn, gia cầm và các xã, phường giáp ranh vùng có dịch. Đồng thời, đẩy mạnh tiêm phòng trên diện rộng đối với toàn bộ đàn vật nuôi. Năm 2020, tỉnh đã thực hiện hiệu quả 2 đợt tiêm phòng cho đàn vật nuôi, với tổng hơn 15 triệu liệu vắc-xin H5N1, khoảng 500 nghìn liều vắc-xin lở mồm, long móng; hơn 800 nghìn liều vắc-xin tụ dấu lợn... Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện giám sát dịch bệnh thông qua các mẫu xét nghiệm. Tổng số 1.056 mẫu để giám sát phát hiện dịch bệnh, 320 mẫu đánh giá bảo hộ tiêm phòng của vắc-xin, 150 mẫu xét nghiệm để cảnh báo sớm dịch bệnh... đã được chi cục kiểm soát nhằm phát hiện sớm các ổ dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm tại các địa phương.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ, việc áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học, vệ sinh, sát trùng phòng bệnh cho gia súc, gia cầm còn hạn chế; công tác chủ động giám sát, phát hiện dịch bệnh chưa thực sự hiệu quả. Các hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật tăng mạnh trong dịp cuối năm và tình hình thời tiết bất ổn định đã làm giảm sức đề kháng của đàn vật nuôi... Do đó, nguy cơ tái phát và xảy ra dịch bệnh là rất cao. Chính vì vậy, nhằm kiểm soát tốt, không để các loại dịch bệnh nguy hiểm xảy ra diện rộng, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán, ngày 29-12-2020, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 29/CT-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng ban hành nhiều công văn hướng dẫn các phương thức thực hiện việc phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi và thực hiện chăn nuôi an toàn, hiệu quả, nhất là trong điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, đàn vật nuôi luôn có nguy cơ tái mắc các loại bệnh cũng như bị xâm nhiễm bởi các loại dịch bệnh mới.

Lê Hòa

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-cac-bien-phap-phong-ngua-kiem-soat-dich-benh-cho-dan-nbsp-gia-suc-gia-cam/131207.htm