Tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá
Diễn biến giá cả các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trên cả nước vẫn đang ở mức cao đã ảnh hưởng đến đời sống người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp (DN). Thực hiện Công điện số 679/2022 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, nhất là kiểm soát giá các hàng hóa, dịch vụ sau khi giá xăng, dầu giảm mạnh.
Thời gian qua, xăng, dầu liên tục tăng giá, khiến nhiều mặt hàng thiết yếu tăng theo, đã ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống người dân và hoạt động SXKD của nhiều DN. Để hạn chế nguy cơ lạm phát cao, liên Bộ Công thương - Tài chính đã trích lập quỹ bình ổn đối với mặt hàng xăng, dầu trong nước nhằm điều chỉnh hạ giá.
Tuy nhiên, trải qua nhiều lần điều chỉnh giảm giá xăng, dầu liên tiếp nhưng giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu vẫn ở mức cao, gây ảnh hưởng đến cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và cuộc sống của nhân dân. Trước tình hình đó, ngày 31/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 679 về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, trong tháng 8/2022, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn tỉnh tăng 0,26% so với tháng trước; tăng 5,10% so với tháng 12/2021 và tăng 5,32% so với cùng kỳ năm trước.
So với tháng trước, nhóm giao thông tiếp tục là nhóm duy nhất có sự giảm giá, do Chính phủ điều chỉnh giảm giá các mặt hàng xăng, dầu nhằm ổn định CPI, kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, trên thị trường, phần lớn các mặt hàng còn phản ứng chậm với việc điều chỉnh giảm giá nhiên liệu, do đó, có tới 7/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; trong đó, tăng cao nhất ở nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chủ động trong công tác chỉ đạo, điều hành chung, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu trên địa bàn tỉnh, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tăng cường rà soát, kê khai giá của DN để đánh giá, điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào; đồng thời, nắm bắt tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh để chủ động có phương án điều chỉnh giá hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường.
Để thực hiện kịp thời, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công thương, Tổng Cục Quản lý thị trường (QLTT) và UBND tỉnh, từ nay đến hết năm 2022, Cục QLTT tỉnh đã và đang triển khai đợt cao điểm kiểm tra về giá, bảo đảm cung - cầu hàng hóa, ổn định thị trường và an sinh xã hội (ASXH) gắn với các kế hoạch kiểm tra chuyên đề khác đối với các tổ chức, cá nhân. Qua kiểm tra trong thời gian gần đây cho thấy, tình trạng vi phạm trong niêm yết giá ở một số cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh vẫn diễn ra.
Chỉ tính riêng trong tháng 8/2022, qua kiểm tra 88 vụ, cục đã phát hiện và xử phạt hành chính 14 vụ vi phạm với 18 hành vi; trong đó, có 6 hành vi vi phạm trong lĩnh vực giá, đầu cơ găm hàng với số tiền phạt 4,5 triệu đồng.
Đặc biệt, mới đây, Đoàn công tác của Tổng Cục QLTT (Bộ Công thương) do đồng chí Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng làm Trưởng đoàn đã có buổi kiểm tra, khảo sát giá hàng hóa trên địa bàn huyện Vĩnh Tường.
Đoàn kiểm tra đã đến làm việc tại Công ty Cổ phần Việt - Pháp tại Cụm KT - XH Tân Tiến - DN chuyên sản xuất thức ăn chăn nuôi và phân bón, được biết, hiện giá xăng, dầu đã được điều chỉnh giảm đáng kể nhưng giá một số nguyên liệu đầu vào như ngô, đậu tương... giảm không đáng kể khiến giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao.
Chia sẻ khó khăn và tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của Công ty Cổ phần Việt - Pháp nói riêng và nhiều cơ sở SXKD trên địa bàn huyện Vĩnh Tường nói chung, đại diện Tổng cục QLTT cho biết sẽ trình Bộ Công thương chỉ đạo, có giải pháp điều chỉnh chính sách nhằm ổn định thị trường hàng hóa; đồng thời, đề nghị lực lượng QLTT tỉnh chỉ đạo các đội QLTT tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra chuyên đề đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần ổn định thị trường...
Thời điểm này, tùy vào chức năng, nhiệm vụ của mình, chính quyền các địa phương, sở, ngành chức năng đang tiếp tục theo sát diễn biến giá cả hàng hóa trên thị trường để có kế hoạch quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá.
Sở Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thành phố và các sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, rà soát, đánh giá hệ thống kênh phân phối, cung ứng, lò mổ và đầu mối bán buôn, bán lẻ đối với mặt hàng thịt lợn để đề xuất các giải pháp khắc phục đảm bảo giảm thiểu khâu trung gian đẩy chi phí lưu thông, tăng giá bán; tăng cường kiểm tra các cửa hàng bán lẻ xăng, dầu và các đơn vị phân phối xăng, dầu trên địa bàn tỉnh bảo đảm việc chấp hành các quy định trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu.
Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các lực lượng chức năng chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức và cá nhân sản xuất chăn nuôi lợn tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống dịch; tổ chức tái đàn phù hợp, đẩy mạnh sản xuất con giống, bảo đảm tổng đàn lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và lâu dài cho nhân dân.
Sở GTVT phối hợp với UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức rà soát, kê khai giá của các DN để đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá...