Tăng cường các giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững. Bài 3: Tăng giá trị, chất lượng sản phẩm lâm nghiệp

Quảng Trị có nguồn nguyên liệu gỗ dồi dào với 119.084 ha rừng trồng, trong đó có 20.150 ha rừng trồng keo được cấp chứng nhận FSC đáp ứng nhu cầu sản xuất công nghiệp của ngành gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Tuy nhiên, ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh còn những hạn chế, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế. Quy mô doanh nghiệp còn nhỏ, có đến 90% doanh nghiệp chế biến nhỏ và siêu nhỏ, công nghệ lạc hậu, cơ cấu ngành hàng manh mún, đa phần sản xuất sản phẩm ở dạng sơ chế, chưa có những doanh nghiệp lớn sản xuất ra các sản phẩm gỗ ngoài trời, đồ gỗ nội thất để xuất khẩu. Kết cấu hạ tầng lâm nghiệp chưa được đầu tư đúng mức đã ảnh hưởng đến gia tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp.

* Tăng cường các giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững. Bài 1: Giữ rừng từ gốc

** Tăng cường các giải pháp để phát triển lâm nghiệp bền vững. Bài 2: Nâng cao giá trị của rừng

Cơ cấu lại ngành công nghiệp chế biến gỗ

Cùng với sự phát triển của ngành chế biến gỗ của cả nước, công nghiệp chế biến gỗ Quảng Trị thời gian qua đã đạt được thành tựu đáng kể, với những dự án có suất đầu tư lớn, công nghệ chế biến hiện đại và dần trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong cơ cấu phát triển công nghiệp, đóng góp vào tăng trưởng giá trị sản xuất ngành công nghiệp tỉnh. Đã có một số cơ sở sản xuất quy mô vừa và lớn, có khả năng thu hút, dẫn dắt các cơ sở sản xuất chế biến gỗ khác như: Nhà máy sản xuất gỗ MDF của Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị, các nhà máy sản xuất, chế biến gỗ tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà, Khu Công nghiệp Quán Ngang và một số cụm công nghiệp trên địa bàn các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ...

 Chưa có bãi tập kết gỗ tập trung nên các doanh nghiệp phải đi thu gom nguyên liệu từng điểm lẻ - Ảnh: T.T

Chưa có bãi tập kết gỗ tập trung nên các doanh nghiệp phải đi thu gom nguyên liệu từng điểm lẻ - Ảnh: T.T

Toàn tỉnh hiện có khoảng 120 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động trong lĩnh vực chế biến gỗ có đăng ký hoạt động, chủ yếu là gỗ MDF, ván ghép thanh, mộc mỹ nghệ, viên nén và dăm gỗ, trong đó có gần 50 nhà máy chế biến gỗ xẻ, quy cách và sản xuất ván ghép thanh. Ngoài ra có trên 100 cơ sở nhỏ đang hoạt động trong lĩnh vực cưa xẻ, chế biến gỗ rừng trồng với tổng công suất trên 100.000 m3 /năm. Nhiều doanh nghiệp đã có sự đầu tư lớn trong lĩnh vực chế biến các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, đặc biệt là dự án đầu tư dây chuyền sản xuất gỗ MDF số 2 của Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị với công suất thiết kế là 120.000 m3 sản phẩm/ năm. Bên cạnh sản phẩm gỗ MDF, hằng năm Quảng Trị còn sản xuất và cung cấp cho các tỉnh và phục vụ xuất khẩu khoảng 100.000 tấn gỗ ván ghép thanh, trên 800.000 tấn bào gỗ, gỗ dăm và viên nén năng lượng…

Công ty TNHH gỗ Nguyên Phong (thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong) là doanh nghiệp chuyên chế biến gỗ xẻ, quy cách và sản xuất ván ghép thanh với công suất 9.000 m3 /năm. Năm 2016, công ty được cấp chứng nhận FSC/CoC - chứng nhận tiêu chuẩn về chuỗi hành trình sản phẩm do hội đồng FSC ban hành với đối tượng là các doanh nghiệp khai thác, chế biến, sản xuất các sản phẩm từ gỗ. Lợi thế của công ty là bước đầu hình thành chuỗi sản xuất khép kín, từ trồng rừng với diện tích hiện có hơn 100 ha rừng có chứng chỉ FSC, cho đến chế biến gỗ xẻ, ván ghép thanh. Ngoài ra, để đáp ứng sản lượng tiêu thụ mỗi năm từ 8.000 - 10.000 tấn gỗ nguyên liệu, công ty tổ chức thu mua gỗ từ các nhóm hộ thuộc Hội chứng chỉ rừng Quảng Trị.

Anh Lê Duy Trinh, đại diện Công ty TNHH gỗ Nguyên Phong cho biết: “Thuận lợi khi sản xuất gỗ FSC là nằm trong luồng hàng xuất đi các nước châu Âu, châu Mỹ, mang tính ổn định, không lo về đầu ra. Tuy nhiên, đối với doanh nghiệp, để vận hành chứng chỉ FSC/CoC thì phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định, yêu cầu pháp luật của nước nhập hàng, như yêu cầu về phòng cháy, chữa cháy, pháp luật lao động, môi trường… Nếu như sản xuất gỗ thông thường, chỉ có cơ quan chức năng kiểm tra quy trình, nhưng sản xuất gỗ chứng chỉ FSC thì ngoài cơ quan chức năng, khách hàng kiểm tra, giám sát rất chặt chẽ các khâu. Đối với việc thu mua nguyên liệu, đặc trưng gỗ keo là có nhiều nhà xưởng sử dụng như sản xuất gỗ dăm, gỗ xẻ, ván lạng, ván bóc… Do đó, nếu vùng nguyên liệu ở xa thì không mua kịp so với các cơ sở nhỏ”.

Mong muốn của các cơ sở sản xuất gỗ xẻ là các ngành chức năng có sự quy hoạch hợp lý đối với tình trạng có quá nhiều cơ sở sản xuất gỗ dăm như hiện nay. “Phải có sự tính toán, quy hoạch để cấp phép cho bao nhiêu đơn vị sản xuất gỗ dăm trên bao nhiêu diện tích rừng hiện có, bởi quá nhiều xưởng sản xuất gỗ dăm thì sức mua của họ đối với gỗ keo sẽ ảnh hưởng đến nguyên liệu sản xuất của các công ty chuyên chế biến sâu”, anh Trinh chia sẻ.

Đến hết năm 2019, tỉnh đã cấp phép đầu tư cho 14 dự án đầu tư vào sản xuất dăm gỗ, với tổng công suất thiết kế lên đến 650.000 m3 sản phẩm/năm, trong đó có 12 nhà máy đi vào hoạt động. Theo ước tính, tổng công suất chế biến gỗ của các nhà máy chế biến gỗ và dăm trên địa bàn toàn tỉnh là trên 1,5 triệu m3 gỗ rừng trồng/năm, vượt khả năng cung ứng gỗ rừng trồng của tỉnh hằng năm là 1 triệu m3 trong thời gian tới. Mặt khác, ngành chế biến dăm gỗ là ngành sơ chế, có giá trị gia tăng không cao, không phù hợp với chủ trương hạn chế dăm gỗ của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT và UBND tỉnh.

Xây dựng công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh trở thành ngành sản xuất quan trọng với công nghệ tiên tiến, hiện đại, có đóng góp quan trọng trong cơ cấu phát triển công nghiệp, có khả năng cạnh tranh cao, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng phát triển chế biến sâu nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và thâm nhập thị trường xuất khẩu là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ đến năm 2025 của tỉnh. Việc đầu tư, mở rộng quy mô doanh nghiệp chế biến gỗ phải đảm bảo yêu cầu công nghệ hiện đại, thiết bị tiên tiến kết hợp với công nghệ thiết bị truyền thống và có quy mô phù hợp với vùng nguyên liệu để phát triển những mặt hàng có lợi thế so sánh, phải gắn với thị trường tiêu thụ trong nước, thế giới. Tập trung đầu tư phát triển chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ rừng trồng, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, khả năng cạnh tranh trong nước và quốc tế để công nghiệp chế biến gỗ phát triển bền vững và hiệu quả.

Theo đó, ưu tiên hàng đầu là phát triển công nghiệp chế biến gỗ theo hướng đầu tư chế biến sâu, hạn chế sử dụng nguyên liệu từ gỗ rừng tự nhiên, không có xuất xứ rõ ràng sang chế biến gỗ rừng trồng, từng bước đổi mới công nghệ thiết bị nhằm sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu, tăng giá trị gia tăng của sản phẩm gỗ, giảm khối lượng gỗ phế thải trên cơ sở chế biến tổng hợp, bao gồm sản xuất ván nhân tạo, viên nén năng lượng…

Không cấp phép đầu tư mới đối với các cơ sở băm dăm gỗ, tập trung phát triển các cơ sở đã cấp phép, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực tìm kiếm thị trường, sản xuất đáp ứng công xuất đã đăng ký, đồng thời khuyến khích thúc đẩy phát triển sản xuất ván nhân tạo (ván ép), gỗ ván MDF, viên nén năng lượng làm nguyên liệu sản xuất sản phẩm gỗ và nhiên liệu đốt phục vụ tiêu dùng, sản xuất năng lượng tái tạo trong nước và xuất khẩu.

Đầu tư hạ tầng cho các vùng quy hoạch gỗ FSC

Cơ sở hạ tầng lâm nghiệp là bài toán khó đối với nhiều địa phương, trong đó có Quảng Trị. Mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ xây dựng hệ thống đường vận xuất, vận chuyển để đảm bảo việc lưu thông, vận chuyển sản phẩm tại các khu vực rừng được cấp chứng chỉ FSC là của không chỉ riêng Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải mà cũng chính là trăn trở của ngành nông nghiệp hiện nay.

Với hơn 8.664 ha diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC, trong đó phần lớn tập trung ở các xã Vĩnh Sơn, Vĩnh Hà, công tác vận chuyển, vận xuất của Công tyTNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, phần lớn hệ thống đường giao thông, nhất là các tuyến đường vào sâu khu vực trồng nguyên liệu tập trung như thôn Trường Tiên, Khe Hó Trù, Bãi Hà Mới của xã Vĩnh Hà, các Tiểu khu 555, 556, 573, 574, 586 đã xuống cấp. Hằng năm, công ty dành một khoản kinh phí đầu tư tu sửa để phục vụ cho công tác vận chuyển nguyên liệu, tuy nhiên việc tu sửa nhỏ này chỉ như “muối bỏ bể”, mà cần nhất là có sự đầu tư của nhà nước để làm thêm các tuyến đường chính phục vụ cho việc lưu thông. Một vấn đề cấp thiết nữa là cần có sự đầu tư để xây dựng các bãi tập kết gỗ tập trung nhằm liên kết vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ FSC gắn với việc vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm.

Theo anh Trần Hậu Ngự, cán bộ Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bến Hải, hiện nay các vùng sản xuất rừng trồng FSC trên địa bàn tỉnh chưa có bãi tập kết nguyên liệu để phục vụ cho việc trung chuyển dễ dàng, tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp thay vì phải đi thu gom từng điểm lẻ. Vừa qua, công ty đã có phương án xây dựng mỗi vùng nguyên liệu một bãi tập kết, tuy nhiên nguồn kinh phí đầu tư tương đối lớn, dự kiến mỗi địa điểm khoảng 1,5 tỉ đồng, vượt quá khả năng đầu tư của đơn vị nên khó khả thi.

 Chế biến gỗ xẻ theo tiêu chuẩn FSC tại Công ty TNHH gỗ Nguyên Phong - Ảnh: T.T

Chế biến gỗ xẻ theo tiêu chuẩn FSC tại Công ty TNHH gỗ Nguyên Phong - Ảnh: T.T

Còn đối với HTX nông nghiệp Phú Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, Giám đốc Nguyễn Thể cho biết, hằng năm HTX phải đầu tư kinh phí để tu sửa đường sá phục vụ việc vận chuyển, khai thác gỗ. Riêng trong năm 2020, HTX đã bỏ ra khoản đối ứng 120 triệu đồng, cộng với nguồn vốn xây dựng nông thôn mới cấp cho địa phương để xây dựng đường dân sinh kết hợp đường lâm nghiệp trị giá gần 400 triệu đồng.

Với chu kỳ trồng rừng FSC dài hơn so với các rừng gỗ dăm, người trồng rừng FSC đối mặt với nhiều khó khăn về đường khai thác. Trong điều kiện nguồn lực của tỉnh còn hạn chế, trong khi diện tích rừng sản xuất tương đối lớn, khoảng 13.000 ha, việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng lâm nghiệp cần nguồn lực hỗ trợ từ trung ương, nguồn lực từ các dự án có vốn đầu tư nước ngoài cũng như huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức tham gia trồng rừng FSC.

Ngành nông nghiệp đã xác định đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng là yếu tố quan trọng nhất trong quá trình phát triển của ngành lâm nghiệp nói chung, đặc biệt quan tâm đến thiết kế, xây dựng hạ tầng để hình thành các vùng liên kết sản xuất nguyên liệu gỗ rừng trồng với quy mô tập trung, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững dựa trên liên kết giữa người trồng rừng, các HTX và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh trong thời gian tới là đẩy mạnh phát triển rừng bền vững, mở rộng vùng nguyên liệu rừng trồng tập trung, rừng trồng kinh doanh gỗ lớn theo hướng quản lý rừng bền vững gắn với chứng chỉ rừng, đảm bảo gỗ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị gia tăng cao và thu nhập từ rừng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết: “Sở đã xây dựng Đề án Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ bền vững tại tỉnh Quảng Trị phục vụ chế biến và xuất khẩu giai đoạn 2021-2025, trong đó Dự án Đầu tư kết cấu hạ tầng liên kết vùng hỗ trợ HTX phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng có chứng chỉ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị là một nội dung quan trọng thuộc đề án. Theo đó lựa chọn khu vực nằm trong vùng nguyên liệu ưu tiên hoặc có tiềm năng của doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ, ưu tiên vùng trồng cây nguyên liệu gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ FSC, có sự tham gia của các HTX lâm nghiệp, HTX nông nghiệp có quản lý rừng trồng gỗ lớn để triển khai thực hiện”.

Theo kế hoạch của dự án, trong hai năm 2021 - 2022 sẽ đầu tư cải tạo, làm mới 15,2 km hạ tầng lâm sinh phục vụ sản xuất, khai thác, cản lửa. Đến năm 2023 sẽ đầu tư 2 bãi tập kết gỗ tập trung phục vụ hoạt động phân loại, sơ chế gỗ lớn trên địa bàn vùng dự án là các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Vĩnh Linh, Gio Linh và Cam Lộ. Nguồn vốn thực hiện dự kiến 40 tỉ đồng, trong đó có sự tham gia của nhà nước, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gỗ và 11 HTX nông nghiệp. Dự án được triển khai thực hiện hiệu quả sẽ mở ra nhiều cơ hội cho phát triển gỗ rừng trồng nguyên liệu FSC, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.

Thanh Trúc - Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=160650&title=tang-cuong-cac-giai-phap-de-phat-trien-lam-nghiep-ben-vung-bai-3-tang-gia-tri-chat-luong-san-pham-lam-nghiep