Tăng cường các giải pháp hỗ trợ để người dân không bị 'bỏ rơi' khi tắt sóng 2G
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) vừa công bố lộ trình tắt sóng 2G. Mục tiêu của việc tắt hoàn toàn sóng 2G là để tận dụng tài nguyên tần số cho các công nghệ viễn thông hiện đại hơn, phù hợp với mục tiêu phát triển của nhà mạng và quốc gia, phục vụ tốt hơn cho người dân.
Tuy vậy, để đảm bảo người dân không bị mất liên lạc hoặc bị ảnh hưởng quyền lợi khi tắt sóng 2G, các nhà mạng cần phải có chính sách hỗ trợ các thuê bao điện thoại 2G chuyển sang dùng smartphone.
Theo đại diện Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, những năm gần đây, số lượng các nhà khai thác trên thế giới dừng công nghệ 2G tăng lên đáng kể. Tính đến tháng 6 năm 2024, có khoảng 37 quốc gia tắt hoàn toàn mạng 2G. Theo báo cáo của GSA, tất cả các nước đều lên kế hoạch dừng cả 2 công nghệ này vào năm 2030. Tại Việt Nam, việc dừng công nghệ 2G sẽ thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, vào tháng 9/2024 sẽ dừng phục vụ thuê bao sử dụng máy điện thoại chỉ sử dụng công nghệ 2G (2G only).
Đến tháng 9/2026 dừng hoàn toàn hệ thống 2G. Hiện nay, các doanh nghiệp dựa trên thực tế khai thác của mình sẽ tắt dần các trạm 2G ở khu vực không phát sinh lưu lượng qua mạng 2G. Số liệu thống kê của Cục Viễn thông cho thấy, tính đến tháng 5/2024, số thuê bao 2G Only còn hơn 11 triệu thuê bao, chiếm khoảng 9% tổng số thuê bao di động trên toàn quốc. Theo kế hoạch thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, các doanh nghiệp di động báo cáo dự kiến số thuê bao 2G Only đến tháng 9/2024 sẽ giảm về 0 hoặc còn số lượng chiếm dưới 5% tổng số thuê bao di động của doanh nghiệp.
Để thực hiện lộ trình dừng công nghệ 2G, Bộ TT&TT đã đề nghị các nhà mạng di động triển khai hạ tầng mạng 4G đảm bảo có vùng phủ thay thế trạm thu phát vô tuyến 2G tại khu vực tắt sóng, chú trọng phát triển hạ tầng tại vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo, đảm bảo đến năm 2025, tất cả thôn bản đang lõm sóng và đã có điện lưới quốc gia được phủ sóng băng rộng di động 4G.
Ông Đoàn Quang Hoan, Phó Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam cho rằng, tắt sóng 2G là một xu hướng tất yếu mang lại lợi ích cho cả nhà mạng, nhà nước và người dân. Tuy vậy, một trong những câu hỏi cần đặt ra khi tắt sóng 2G là thị trường smartphone thế nào? Ở đây người dân phải có smartphone, kèm theo đó là kỹ năng sử dụng, smartphone phải được cung cấp với giá cả hợp lý. Nhà nước và nhà mạng phải làm nhiều hơn. Đây không chỉ là câu chuyện tắt sóng 2G mà còn là chuyển đổi dịch vụ từ chuyển mạch kênh sang chuyển mạch IP.
Việc chuyển đổi đó có đảm bảo tất cả dịch vụ thiết yếu đều thông suốt không? Gọi 113, 114, 115 không thể gọi thông trên IP, không thể dùng Viber gọi cấp cứu. Đó là những dịch vụ thiết yếu. Nhà nước, nhà mạng phải đảm bảo mọi người dân đều gọi được những số đó.
Chia sẻ về vấn đề này tại tọa đàm “Tắt sóng 2G, người dân cần chuẩn bị gì?” do Cục Viễn thông phối hợp với Báo VietNamNet tổ chức ngày 18/7, đại diện các nhà mạng đều khẳng định việc tắt sóng 2G đã và đang được thực hiện theo lộ trình mà Bộ TT&TT đưa ra song hiện đang vướng một số khó khăn, vướng mắc cần hỗ trợ. Theo ông Lê Đắc Kiên, Phó Tổng giám đốc VNPT VinaPhone, hiện nay vẫn còn khoảng 1,5 triệu khách hàng chưa chuyển đổi mặc dù nhà mạng đã nỗ lực bằng nhiều cách. Do đó, khi tắt sóng 2G, một số khách hàng sẽ bị ảnh hưởng.
Từ thực tế trên, đại diện VinaPhone đề xuất, nếu trong trường hợp khó khăn quá có thể cho phép can thiệp kỹ thuật, kéo dài một chút để khách hàng không bị bỏ rơi. Bên cạnh đó, mặc dù nhà mạng sẽ hỗ trợ thiết bị giá rẻ, gói cước nhưng cũng rất khó bao được hết tất cả khách hàng, rất mong Bộ TT&TT có nguồn Quỹ Viễn thông công ích để hỗ trợ thêm.
Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: Một trong những vấn đề quan trọng khi thực hiện lộ trình tắt sóng 2G chính là truyền thông đầy đủ đến người dân. Khi thông tin đầy đủ, ý nghĩa của chuyển đổi được hiểu rõ, sẽ nhận được sự đồng thuận của người sử dụng. Về thiết bị đầu cuối, hỗ trợ cho người dùng sau khi chuyển đổi, ông Nhã cho rằng, đối với người dân ở vùng sâu vùng xa, việc đổi máy dù mấy trăm nghìn đồng cũng là vấn đề lớn.
Các nhà mạng cũng đã có giải pháp, dù không thể hỗ trợ 100% số máy cho người dùng nhưng với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo. Bộ TT&TT cũng đã làm việc với UBND các tỉnh, thành phố, đề nghị các Sở TT&TT đề xuất với UBND sử dụng nguồn vốn, tài trợ hợp pháp trên địa bàn để phối hợp với nhà mạng hỗ trợ.