Tăng cường các giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) là một trong những nội dung trọng tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. Thời gian qua, với nhiều giải pháp phòng ngừa được tập trung chỉ đạo, công tác PCTN, TC, lãng phí trên địa bàn tỉnh chuyển biến tích cực, góp phần củng cố niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân (CB, ĐV và ND) về quyết tâm PCTN, TC của Đảng và Nhà nước, chung tay phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Những năm qua, công tác đấu tranh PCTN, TC trên địa bàn tỉnh được quan tâm chú trọng. Với sự vào cuộc, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và ý thức trách nhiệm cao của các cấp, các ngành trong tỉnh, nhất là vai trò quan trọng của quần chúng, nhân dân, công tác PCTN, TC đã có nhiều kết quả.

Công tác tham mưu, đề xuất của các cơ quan chức năng cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm ngày càng được chú trọng, có chất lượng, nhận được sự đồng thuận của CB, ĐV và ND trên địa bàn tỉnh.

Một số vụ án đã được tham mưu, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ và xử lý nghiêm minh, như: Vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh (cũ) thuộc Sở Lao động-Thương binh và xã hội; vụ án sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý dự án Môi trường và Biến đổi khí hậu TP. Đồng Hới; vụ án Nguyễn Ngọc Sơn về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại xã Hoàn Trạch (cũ), huyện Bố Trạch; vụ án “Tham ô tài sản” xảy ra tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh; vụ việc sai phạm xảy ra tại Ban Quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Vũ Đại Thắng phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh tháng 4/2023. Ảnh: N.M

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh Vũ Đại Thắng phát biểu tại phiên họp Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh tháng 4/2023. Ảnh: N.M

Có thể thấy, công tác PCTN, TC trên địa bàn tỉnh tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở. Việc triển khai thực hiện các giải pháp giữa phòng và chống ngày càng đồng bộ, thống nhất. Một số cơ quan, tổ chức, đơn vị đã củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, nhất là việc phối hợp, theo dõi, tham mưu chỉ đạo giải quyết các vấn đề có liên quan được thực hiện tốt hơn.

Trách nhiệm của các cấp ủy, người đứng đầu được tăng cường. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về PCTN, TC tiếp tục được triển khai tích cực. Công tác cải cách thủ tục hành chính, kê khai tài sản, thu nhập, thực hiện việc chuyển đổi một số vị trí công tác theo quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm túc.

Việc thực hiện nghiêm công khai minh bạch trong cơ quan, đơn vị đã góp phần ngăn chặn, PCTN hiệu quả. Các vụ việc, vụ án có dấu hiệu TN được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật; các hoạt động kiểm tra, thanh tra, rà soát được tiếp tục tăng cường; đặc biệt, đã tập trung đẩy mạnh việc thực hiện các kết luận, kiến nghị thanh tra, kiểm tra, kiểm toán…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, công tác PCTN, TC vẫn còn một số hạn chế so với yêu cầu và kỳ vọng của nhân dân. Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN, TC chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của CB, ĐV và ND; trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận CB, ĐV chưa cao. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa TN, TC tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao.

Việc rà soát, đánh giá, sửa đổi, bổ sung nhằm khắc phục những sơ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế-xã hội còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu PCTN, TC. Công tác tự kiểm tra, phát hiện TN, TC trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị còn rất yếu, một số trường hợp chưa xử lý triệt để; việc phát hiện TN, TC qua công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế...

Qua thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên chủ yếu là do một số cơ quan, đơn vị và người đứng đầu chưa quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác PCTN, TC. Nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình ở nhiều nơi bị buông lỏng. Việc tổ chức thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước ở một số nơi chưa tốt, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, còn có biểu hiện nói không đi đôi với làm hoặc làm chiếu lệ. Thể chế, chính sách về quản lý kinh tế-xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn sơ hở, bất cập, thường xuyên thay đổi, còn chồng chéo, mâu thuẫn; chưa minh bạch, chưa xóa bỏ được cơ chế "xin, cho"… Đây là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh TN, TC…

Cán bộ Phòng Theo dõi công tác PCTN, Ban Nội chính Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ.

Cán bộ Phòng Theo dõi công tác PCTN, Ban Nội chính Tỉnh ủy trao đổi nghiệp vụ.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PCTN, TC, thời gian tới, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, TC sẽ được đẩy mạnh và đa dạng hóa hình thức; thực hiện có hiệu quả việc quán triệt nội dung, giá trị cốt lõi cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh PCTN, TC góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch vững mạnh” của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, TC. Cần tăng cường thời lượng thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần chuyển biến sâu sắc nhận thức của CB, ĐV và ND về PCTN, TC…

Đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, hiệu quả của công tác PCTN, TC sẽ là một trong những tiêu chí quan trọng đánh giá năng lực, kết quả công tác. Công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan, tổ chức theo quy định của Luật PCTN; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của Luật PCTN. Tiếp tục bám sát các nội dung chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy để xây dựng và thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi TN, TC, trong đó có công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử… Đồng thời, không ngừng nâng cao tính chủ động, xác định những lĩnh vực có nguy cơ TN cao để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi TN.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQVN và các tổ chức liên quan, cơ quan báo chí truyền thông… luôn đề cao, phát huy vai trò giám sát, phản biện, tuyên truyền trong công tác PCTN, TC; tăng cường phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ngăn chặn và phát hiện kịp thời cán bộ, công chức có hành vi nhũng nhiễu, đòi hối lộ…

Từ những kết quả đạt được, các bài học kinh nghiệm, tinh thần quyết liệt, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân, tin rằng thời gian tới, công tác PCTN, TC sẽ tiếp tục gặt hái những thành tựu mới, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của CB, ĐV và ND.

(Trưởng phòng Theo dõi công tác PCTN, Ban Nội chính Tỉnh ủy)

Nguồn Quảng Bình: https://www.baoquangbinh.vn/chinh-tri/202305/tang-cuong-cac-giai-phap-phong-chong-tham-nhung-tieu-cuc-2209584/