Tăng cường các nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19

PTĐT - Tuy vẫn nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ thấp về dịch bệnh COVID-19, nhưng với tinh thần 'chống dịch như chống giặc', Phú Thọ luôn trong tâm thế sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch.

Ngày 8/8, 30 y, bác sĩ của tỉnh lên đường hỗ trợ Quảng Nam chống dịch COVID-19.

Ngày 8/8, 30 y, bác sĩ của tỉnh lên đường hỗ trợ Quảng Nam chống dịch COVID-19.

PTĐT - Tuy vẫn nằm trong nhóm các địa phương có nguy cơ thấp về dịch bệnh COVID-19, nhưng với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, Phú Thọ luôn trong tâm thế sẵn sàng các biện pháp phòng, chống dịch. Với gần 8 tháng chuẩn bị (tính từ thời điểm bắt đầu xuất hiện dịch bệnh vào tháng 1/2020), cho tới nay có thể khẳng định, ngành y tế Phú Thọ đã có đủ nguồn lực để ứng phó với mọi tình huống về dịch bệnh COVID-19 phát sinh trên địa bàn.Vận hành thông suốt các phương án 17h48 ngày 19/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh nhận được thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội về trường hợp ông L.B.N (87 tuổi, trú tại Khu 11, xã Khải Xuân, huyện Thanh Ba) đang được cách ly, theo dõi và điều trị tại Khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện E, Hà Nội, có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Ngay sau khi nhận được tin, đoàn công tác của Sở Y tế - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh - đã tổ chức họp khẩn với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Thanh Ba và xã Khải Xuân để thống nhất chỉ đạo, tổ chức triển khai các biện pháp điều tra xác minh, xử lý ổ dịch. Trong khi ngành y tế truy vết và lấy mẫu xét nghiệm các F1, F2; cách ly y tế tập trung 8 trường hợp F1 tại Bệnh viện đa khoa tỉnh; hướng dẫn cách ly tại nhà các trường hợp F2 được theo quy định và phun khử khuẩn tại gia đình cũng như khu vực người bệnh sinh sống. Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba đã ban hành văn bản số 1122 ngày 20/8/2020 về việc áp dụng biện pháp cách ly xã hội 14 ngày theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ 2 xã Khải Xuân và Võ Lao của huyện kể từ 7 giờ ngày 20/8; thành lập 23 tổ giám sát cộng đồng tại 23/23 khu của 2 xã trên để kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm nhằm đảm bảo việc cách ly tại hộ gia đình và cách ly cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức khoanh vùng, phong tỏa ổ dịch tại khu 11, xã Khải Xuân với bán kính 500 mét tính từ nhà bệnh nhân với tổng cộng 101 hộ gia đình, ước tính khoảng 450 nhân khẩu cũng từ 7 giờ ngày 20/8; thành lập 5 chốt kiểm soát thường trực 24/24h tại các địa điểm ra/vào vùng khoanh vùng, cách ly y tế. Huyện cũng Phân công Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 huyện Thanh Ba, Ban Chỉ đạo xã Khải Xuân có trách nhiệm đảm bảo hậu cần, hàng hóa thiết yếu cung cấp cho người dân trong thời gian phong tỏa.Đến chiều ngày 20/8, cùng với kết quả âm tính của tất cả các F1, F2, kết quả xét nghiệm bằng nhiều phương pháp khác nhau của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương đối với bệnh nhân trên cũng khẳng định âm tính với SARS-CoV-2, đã là cơ sở chắc chắn để Bộ Y tế rút trường hợp này ra khỏi danh sách những người bị nhiễm SARS-CoV-2. Có thể nói, với những gì ngành y tế đã triển khai thực hiện trong chưa đầy 12 tiếng đã khẳng định sự chủ động, tích cực vào cuộc của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch của Covid-19 tỉnh và địa phương trong kịp thời triển khai các phương án cấp bách khoanh vùng, phòng dịch ngay khi có thông tin về ca nhiễm. Đây được coi là đợt “diễn tập” sát thực nhất về phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.Ngay sau cuộc “diễn tập” nói trên, Sở Y tế đã tổ chức Hội nghị rút kinh nghiệm công tác phòng chống dịch Covid – 19 trong 2 ngày 28/8 và 03/9, các đại biểu đã rút ra những kinh nghiệm từ thực tiễn, như: Công tác tham mưu mang tính chủ động, tích cực, kịp thời của ngành y tế đối với ban chỉ đạo các cấp trong việc ứng phó với dịch bệnh; kinh nghiệm trong tổ chức triển khai truy vết các F, khoanh vùng, xử lý triệt để các ổ dịch, không để lây lan trong cộng đồng; cách thức sàng lọc, xét nghiệm nhanh chóng và hiệu quả; công tác đảm bảo hậu cần khu vực cách ly… Bên cạnh đó, các điều kiện và nguồn lực trong công tác phòng chống dịch bệnh cũng đã được thảo luận, đánh giá đúng và trúng.

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc COVID-19

Cán bộ Bệnh viện Đa khoa tỉnh xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm nghi ngờ mắc COVID-19

Vật tư đảm bảo, nhân lực sẵn sàngTính đến thời điểm hiện tại, cả nước nói chung và Phú Thọ nói riêng đã có đủ thời gian chuẩn bị các cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng như nguồn nhân lực cần thiết để vận hành thông suốt các phương án ứng phó với dịch bệnh.Theo báo cáo của các đơn vị y tế trong toàn tỉnh, trong điều kiện bình thường, ngành y tế luôn dự trữ một số lượng thuốc thiết yếu, dịch truyền, hóa chất, vật tư cơ bản, phương tiện bảo hộ cá nhân và thiết bị máy móc phù hợp để chủ động ứng phó các tình huống thiên tai, lụt bão, dịch bệnh bất ngờ xảy ra. Hiện nay, số lượng dự trữ đó được ưu tiên sử dụng để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Từ khi dịch bệnh xuất hiện và bùng phát, UBND tỉnh đã tập trung bố trí kinh phí để mua sắm bổ sung thuốc điều trị, máy móc kĩ thuật, hóa chất khử trùng, đồ bảo hộ cùng một số vật tư thiết yếu khác đáp ứng tình hình dịch bệnh. Bên cạnh đó, các ban ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh bằng nhiều hình thức đã ủng hộ ngành y tế một số lượng lớn các trang thiết bị, vật tư y tế để đảm bảo phòng chống dịch. Đến nay, số lượng quần áo phòng hộ, khẩu trang, dung dịch sát khuẩn tay đã được cung cấp đầy đủ cho tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh, đồng thời kiểm soát bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu thuộc lĩnh vực này. Đặc biệt, số lượng bộ test xét nghiệm virus SAR-CoV-2 luôn đảm bảo, được bổ sung, mua mới khi cần thiết để có thể xét nghiệm trên diện rộng và trong thời gian dài.Cùng với cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, việc bố trí, sắp xếp, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống dịch bệnh cũng là yếu tố quyết định. Trong phương châm “4 tại chỗ” gồm: Lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ - Thì bố trí nhân lực tại chỗ đã được cụ thể hóa rất rõ trong Kế hoạch ứng phó với các cấp độ của dịch do Covid-19 của Sở Y tế. Theo đó, từng cơ sở khám chữa bệnh luôn chủ động bố trí nhân lực đảm bảo đủ về số lượng, phù hợp về cơ cấu để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh trong mọi cấp độ. Ngay thời gian đầu khi dịch bệnh bùng phát, đã có 41 đội phản ứng nhanh của các đơn vị y tế tuyến tỉnh và huyện được thành lập và duy trì đến thời điểm này, nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn toàn tỉnh, sẵn sàng điều tra, giám sát, phát hiện sớm và chuyển tuyến các ca bệnh nghi ngờ, các đối tượng nguy cơ để tổ chức khoanh vùng, cách ly, xử lý ổ dịch hoặc ổ dịch nghi ngờ. Thông tin về diễn biến của dịch bệnh trong và ngoài nước được cập nhật liên tục, nhằm cung cấp một cái nhìn toàn diện nhất cho từng cán bộ, y, bác sĩ và nhân viên y tế, góp phần định hướng rõ ràng về công tác phòng chống dịch trong tình hình mới.Đặc biệt hơn, trước đề nghị của UBND tỉnh Quảng Nam vào tuần đầu tháng 8, ngày 6/8, Sở Y tế đã phát động phong trào tình nguyện đăng ký tham gia công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 tại tỉnh Quảng Nam. Chỉ sau 1 ngày phát động, với tinh thần tương thân, tương ái, với nghĩa cử cao đẹp của người cán bộ y tế trên quê hương Đất Tổ, rất nhiều y bác sĩ, điều dưỡng từ các đơn vị y tế trực thuộc đã đăng ký tham gia đoàn công tác chống dịch COVID tại Quảng Nam. Sở Y tế đã chọn 38 cán bộ y tế (trong đó có 18 bác sĩ, 20 điều dưỡng) thuộc 3 chuyên ngành Nội, Hồi sức cấp cứu, Tim mạch và Truyền nhiễm có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm, tận tụy, trách nhiệm với nghề để lên đường “chia lửa” với Quảng Nam. Theo sắp xếp, các y bác sĩ của tỉnh đã tham gia hỗ trợ tại 4 bệnh viện: Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam, Bệnh viện Đa khoa khu vực Quảng Nam, Trung tâm Y tế TP.Hội An. Theo bác sĩ Trần Xuân Quang, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: “Đây vừa là trách nhiệm cũng vừa là cơ hội để các y, bác sĩ được trực tiếp rèn luyện trong môi trường khắc nghiệt nhất. Những kinh nghiệm thực tiễn quý báu có được trong lần công tác đặc biệt này sẽ giúp ngành y tế Phú Thọ thực sự chủ động, sẵn sàng trước mọi tình huống phát sinh của dịch bệnh.” TS. Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Với phương châm “4 tại chỗ” và các phương án chuẩn bị kỹ càng cùng các nguồn lực đảm bảo, có thể khẳng định, ngành y tế tỉnh không để bị động trong mọi tình huống và cấp độ dịch, trong trường hợp xuất hiện ổ dịch sẽ được xử lý nhanh, triệt để, không để lây lan, bùng phát. Tuy nhiên, cuộc chiến chống dịch COVID-19 là một “cuộc chiến trường kỳ” do chưa có vắc-xin phòng bệnh hay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nên mỗi người dân cần nêu cao ý thức, trách nhiệm, không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm những khuyến cáo phòng bệnh của cơ quan chuyên môn cũng như những quy định của chính quyền địa phương trong thực phòng chống bệnh dịch. Bên cạnh sự nỗ lực hết mình của ngành y tế, cả hệ thống chính trị cũng cần vào cuộc để tuyên truyền đến mọi người dân về những mối nguy của dịch bệnh, những tác động tiêu cực lên mọi mặt đời sống, sự kìm hãm “mục tiêu kép” mà nhà nước và người dân đang hướng tới, để từ đó, cả xã hội cùng nâng cao tinh thần trách nhiệm, góp phần bảo vệ bản thân, cộng đồng và cùng cả nước chiến thắng dịch bệnh.”

Phương Thúy

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/suc-khoe-doi-song/202009/tang-cuong-cac-nguon-luc-phong-chong-dich-benh-covid-19-173116