Tăng cường cắm chốt, xử lý vi phạm nồng độ cồn trên diện rộng sau Tết
Mặc dù biết việc lái xe khi đã uống rượu bia là nguy hiểm, nguy cơ tai nạn giao thông khó lường, song qua đánh giá tình hình thực tế, sau Tết Nguyên đán, tình trạng vi phạm 'cồn' có chiều hướng gia tăng. Chính vì vậy, việc triển khai các chốt kiểm tra diện rộng là cần thiết, 'lấy việc xử lý mạnh tay làm bài học rút kinh nghiệm cho người tham gia giao thông' - Chỉ huy Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) khẳng định.
Vi phạm nồng độ cồn có chiều hướng tăng
Cùng đi với tổ công tác Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an quận Cầu Giấy, phóng viên An ninh Thủ đô đã ghi lại những tình huống vi phạm với những lý do… khó đỡ. M.H., SN 1998, trú tại huyện Ứng Hòa, Hà Nội sau khi kiểm tra cho kết quả vi phạm ở mức 0,153mg/lít khí thở.
Khi được hỏi, người này cho biết sau khi tan làm đã cùng đồng nghiệp uống vài cốc bia và nói rằng, do bản thân làm nhân viên kỹ thuật, hàng ngày chỉ ngồi một chỗ không đọc tin tức nên không biết việc lực lượng Công an đang triển khai quyết liệt xử lý vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, lý do cũng chỉ là lý do, việc ký vào biên bản nộp phạt và chấp hành các quy định vẫn phải ký.
Trong khi đó, như trường hợp của T.C., SN 1980, trú tại tỉnh Hải Dương. Theo cán bộ trinh sát của tổ công tác Công an quận Cầu Giấy, từ xa đã phát hiện người đàn ông này điều khiển phương tiện lệch chuẩn. “Trong trường hợp này, lái xe đã bắt đầu không làm chủ được tay lái cũng như tốc độ, rất dễ có thể gây ra tai nạn giao thông” - Trung tá Đỗ Minh Tứ, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông-trật tự, Công an quận Cầu Giấy đánh giá.
Chưa hết, người đàn ông nay khi nhìn thấy chốt kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn lập tức quay xe đi vào một ngõ gần đó. Tuy nhiên, cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ đã nhanh chóng đuổi theo khống chế, đưa về chốt kiểm tra. Kết quả xác định lái xe T.C. có nồng độ cồn là 0,555mg/lít khí thở, vượt mức kịch khung theo quy định. Tổ công tác đã lập biên bản tạm giữ phương tiện, xử phạt vi phạm hành chính số tiền 7.000.000 đồng và tước giấy phép lái xe 23 tháng.
Trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô, Trung tá Đỗ Minh Tứ thông tin, địa bàn quận Cầu Giấy nhiều nhà hàng, quán ăn, sau Tết, người dân đi làm trở lại và rủ nhau khai xuân theo thói quen "phải có rượu - bia". Và trong những cuộc vui như thế này, chắc chắn sẽ khiến tình trạng vi phạm TTATGT tăng và phức tạp.
“Chúng tôi không cấm người dân uống rượu, bia song phải chấp hành khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - Không lái xe” để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và những người tham gia giao thông. Người điều khiển phương tiện mà sử dụng đồ uống có cồn hay chất kích thích, rất dễ dẫn đến việc va chạm rồi kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì thực tế đã chứng minh có nhiều vụ tai nạn giao thông thảm khốc xảy ra. Cũng không thể loại trừ nhiều trường hợp sau khi va chạm dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, nhẹ thì đánh cãi, chửi nhau, mà nặng hơn thì thậm chí có thể xảy ra án mạng. Chúng ta không thể loại trừ bất cứ trường hợp nào để tổ chức phòng ngừa, ngăn chặn” - Trung tá Lê Thế Tùng, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy nhìn nhận.
Kiểm tra trên diện rộng
Là đơn vị đứng đầu trong đợt triển khai cao điểm xử lý vi phạm nồng độ cồn theo Kế hoạch của Bộ Công an và Cục CSGT, Công an quận Cầu Giấy tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời mạnh tay, quyết liệt với mục tiêu trọng tâm lấy việc xử lý vi phạm là bài học rút kinh nghiệm cho người tham gia giao thông.
“Vi phạm nồng độ cồn không giống như các loại vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực giao thông, vì mức xử phạt rất cao. Có thể thấy mức cao nhất với ô tô là 35.000.000 đồng, còn với xe máy là 7.000.000 đồng, tạm giữ phương tiện 7 ngày và tước giấy phép lái xe 23 tháng. Do vậy, chỉ cần một lần bị xử lý thôi là cũng sẽ khiến người vi phạm e ngại mà rút kinh nghiệm. Và chắc chắn, chúng tôi kiên quyết không linh động cho bất cứ trường hợp vi phạm nào” - Trung tá Bùi Chí Hùng, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông - trật tự CAQ Cầu Giấy khẳng định.
Theo ước tính của phóng viên An ninh Thủ đô, mỗi ca thực hiện nhiệm vụ, cán bộ chiến sĩ Công an quận Cầu Giấy có thể kiểm tra từ 300 - 400 trường hợp. Đây là cách kiểm tra diện rộng với bất cứ phương tiện nào đi qua chốt.
“Chúng tôi sử dụng phễu kiểm tra hơi thở của lái xe. Nếu máy báo phát hiện có cồn sẽ sử dụng ống đo chuyên dụng cho kết quả chính xác, từ đó có căn cứ xử lý theo các mức đã quy định” - Trung tá Đỗ Minh Tứ nói thêm.
Cũng theo Chỉ huy Công an quận Cầu Giấy, đơn vị yêu cầu cán bộ chiến sĩ thường xuyên đánh giá, rút kinh nghiệm, đồng thời tổ chức cắm chốt, kiểm tra, xử lý linh hoạt trên các cung đường, tuyến phố trọng điểm trên địa bàn quận vì thực tế hiện nay, trên mạng xã hội xuất hiện một số hội, nhóm “báo chốt” để người dân né tránh.
Ngoài ra, trong và sau Tết đơn vị tăng cường chốt cũng như thời gian của mỗi ca, bất chấp thời tiết ban đêm ngoài đường giá rét. Số liệu thống kê cho thấy, từ cao điểm đấu tranh, phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm bảo vệ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của CATP Hà Nội (15-11-2022) đến nay, Công an quận Cầu Giấy đã xử lý tổng số 290 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, xử phạt tổng số tiền 1.540.750.000 đồng.
Chỉ tính riêng từ đêm Giao thừa Tết Nguyên đán đến nay, đã có 47 trường hợp vi phạm bị xử lý với số tiền phạt là 260.000.000 đồng. Đáng chú ý, trong số 290 trường hợp trên, có tới 72 trường hợp là xe máy và 6 trường hợp ô tô vi phạm vượt mức kịch khung - 0,4mg/lít khí thở.
Có thể nói, đây là kết quả rất đáng ghi nhận, thể hiện sự vào cuộc quyết liệt không ngơi nghỉ của Công an quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, việc xử lý của lực lượng chức năng vẫn chỉ giải quyết phần ngọn, bởi thực tế nhiều người dân dù biết Công an Hà Nội đang xử lý rất mạnh tay nhưng vẫn vi phạm và tìm đủ cách để “né chốt”. Điều này cho thấy ý thức của một bộ phận người dân còn chưa cao.
"Chúng tôi rất mong người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Việc chấp hành khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - không lái xe” chính là nhằm bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho mỗi người. Đừng vì cuộc vui trước mắt mà phải chịu hậu quả khó có thể đong đếm được sau đó.
Những bài học đắt giá còn đó... Thông tin những vụ tai nạn giao thông do rượu, bia và các chất kích thích gây ra vẫn còn đó... Và không chỉ hệ lụy khi lái xe, mà ngay cả trong cuộc sống, việc sử dụng rượu, bia cũng gây ra rất nhiều vụ việc phức tạp, thậm chí cả án mạng. Đã đến lúc chúng ta phải nhìn nhận lại để lựa chọn những thú vui văn minh, phù hợp với cuộc sống hiện đại hơn, để bình yên đến với cuộc sống của mỗi gia đình, mỗi người và toàn xã hội" - Chỉ huy Công an quận Cầu Giấy chia sẻ.