Tăng cường chẩn đoán, điều trị bệnh nhân lao để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng

Ngay sau đại dịch COVID-19, trong năm 2022- 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng, chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giúp phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao.

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chăm sóc, cấp thuốc cho bệnh nhân nhiễm lao. Ảnh: Nguyễn Quang Duy/TTXVN

Bác sỹ Bệnh viện Phổi Lạng Sơn chăm sóc, cấp thuốc cho bệnh nhân nhiễm lao. Ảnh: Nguyễn Quang Duy/TTXVN

Trong năm 2023, Chương trình đã phát hiện 106.086 trường hợp mắc lao các thể, tăng 2.282 bệnh nhân, tương đương tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 27.151 (34,4%) so với cùng kỳ năm 2021 - năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19. Số liệu phát hiện lao kháng đa thuốc năm 2023 là 3.775 bệnh nhân, cao hơn các năm 2020, 2021, 2022 lần lượt là 7,8%, 45,8% và 9,5%.

Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn Ngân sách nhà nước sang Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả.

Bên cạnh đó, năm 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia bước đầu đạt được thành tựu tích cực trong việc áp dụng trí tuệ nhân tạo vào chẩn đoán bệnh lao. Việc này mang lại ý nghĩa lớn cho hoạt động phát hiện bệnh lao, đặc biệt là các trường hợp lao dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận.

Việc tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert trong chẩn đoán, đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở đã góp phần tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao.

Việc xây dựng “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám chữa bệnh” đã phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung, y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.

Đây cũng là cơ sở để các tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban, ngành đoàn thể tích cực tham gia tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.

Bích Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/tang-cuong-chan-doan-dieu-tri-benh-nhan-lao-de-cat-dut-nguon-lay-trong-cong-dong-20240321123536762.htm