Như thông tin đã đề cập trước đó, vào ngày 17/2/2021, một vòng đàm phán khác theo "định dạng Astana" nhằm dàn xếp tình hình ở Syria đã diễn ra ở thành phố Sochi với nhiều bên liên quan (nhưng không có Mỹ).
Trong cuộc thảo luận, đặc phái viên của Tổng thống Nga - ông Alexander Lavrentyev đã có bài phát biểu rất đanh thép khi cho rằng Moskva đã hết kiên nhẫn với những hành động của Israel.
Ông Lavrentyev cảnh báo, nếu Tel Aviv không ngừng bắn phá lãnh thổ Syria, Nga có thể chọn con đường quân sự để chống lại những cuộc oanh kích của Israel chứ không giới hạn trong các nỗ lực ngoại giao như trước kia nữa.
"Không sớm thì muộn, 'nước trong chiếc cốc' của sự kiên nhẫn, sẽ tràn ra ngoài, và một cuộc tấn công trả đũa có thể xảy ra, dẫn đến một vòng căng thẳng mới".
"Những cuộc tấn công này phải dừng lại, chúng hoàn toàn phản tác dụng. Nga hy vọng rằng phía Israel sẽ lắng nghe những quan ngại của chúng tôi về khả năng leo thang bạo lực ở Syria", ông Lavrentyev nói rõ.
Chỉ ít lâu sau phát biểu của quan chức ngoại giao Nga, đã có ghi nhận về việc một nhóm tác chiến bổ sung của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga được triển khai tới căn cứ không quân Hmeimim tại Syria.
Điều này làm xuất hiện suy đoán rằng bằng cách trên, Nga đang cố gắng gửi một tín hiệu rõ ràng tới Israel sau khi Bộ Ngoại giao Nga công bố ý định bắt đầu chống lại sự gây hấn của Israel đối với Syria.
Giới phân tích tình hình khu vực dự đoán các máy bay chiến đấu của Nga sẽ được bàn giao cho Syria để sử dụng trong vai trò đánh chặn tiêm kích Israel, trong trường hợp những phi cơ nói trên xuất hiện gần biên giới Lebanon để tấn công nước Cộng hòa Ả Rập.
Trước đó, Nga đã tích cực thực hành điều động máy bay chiến đấu của mình tới biên giới Syria, điều này có thể gây trở ngại cho các cuộc không kích của không quân Israel trong tương lai.
Do vậy với động thái mới được ghi nhận, không loại trừ khả năng lần này Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga có thể bắt đầu thực sự đảm bảo an toàn cho vùng trời của nước Cộng hòa Ả Rập.
Nhưng ở chiều ngược lại, một số chuyên gia lại nhận định khả năng Nga chọn phương án đối đầu trực diện với không quân Israel là khó xảy ra, bởi trên bàn cờ địa chính trị khu vực, hai bên vẫn còn rất cần nhau khi có nhiều lợi ích chung.
Đặc biệt khi Moskva được cho là có thỏa thuận để Tel Aviv tiến hành những cuộc không kích nhằm vào lực lượng Iran, thể hiện ở việc tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 cung cấp cho Syria vẫn im hơi lặng tiếng suốt từ năm 2018 cho tới nay.
Không chỉ có vậy, căng thẳng giữa Nga và Iran gần đây còn lên tới đỉnh điểm khi xuất hiện thông tin cho biết Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran đã "trục xuất" binh sĩ Nga khỏi sân bay quân sự T4 vốn được hai bên sử dụng chung.
Sẽ không ngạc nhiên khi sau những tuyên bố có phần cứng rắn, Nga sẽ lại án binh bất động để Israel tiếp tục thực hiện những phi vụ ném bom nhằm "nhổ bỏ" lực lượng vũ trang Iran khỏi Syria.
Việt Dũng