Tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại dịp cuối năm
Cuối năm là thời điểm nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng mạnh, đây cũng là lúc hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở tỉnh Quảng Trị, nhất là trên tuyến Quốc lộ 9 xảy ra nhiều và diễn biến phức tạp. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng tăng cường các giải pháp và vào cuộc quyết liệt để đấu tranh ngăn chặn, nhằm đảm bảo thuận lợi, công bằng cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, quyền lợi người tiêu dùng và tránh thất thu ngân sách nhà nước.
Vào lúc 21 giờ, ngày 28/10/2023, tại km 40 thuộc Quốc lộ 9 đoạn qua địa bàn thị trấn Krông Klang (huyện Đakrông), lực lượng chức năng phát hiện 15 ô tô có dấu hiệu nghi vấn, chạy với tốc độ cao nên yêu cầu dừng xe để kiểm tra. Qua đó, phát hiện 1 ô tô chở 5 hộp gỗ chưa xác định được chủng loại; 14 ô tô còn lại chở hơn 50 tấn đường kính chứa trong các bao tải.
Tại thời điểm này, các lái xe không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc của số hàng hóa nói trên; trong quá trình làm việc, một số lái xe thiếu hợp tác, gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Trước đó, ngày 18/10/2023, Công an huyện Đakrông phát hiện 9 ô tô tải van có dấu hiệu nghi vấn lưu thông trên Quốc lộ 9 nên đã tiến hành dừng phương tiện. Qua kiểm tra, phát hiện trên 9 ô tô này chở 36 tấn đường kính không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc.
Ngày 5/5/2023, lực lượng chức năng tiếp cận, kiểm tra một địa điểm ở thôn Long Quy (xã Tân Long, huyện Hướng Hóa), phát hiện 5 loại hàng hóa không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ bị các đối tượng bỏ lại tại hiện trường, gồm: xà bông, son dưỡng môi, nở ngực đông y, viên uống giảm cân thảo mộc, thuốc xương khớp. Số hàng hóa này có tổng trị giá gần 120,5 triệu đồng...
Đây chỉ là 3 trong nhiều vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên địa bàn tỉnh từ đầu năm 2023 đến nay. Thông tin từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389) tỉnh Quảng Trị cho biết, trong 10 tháng năm 2023, các lực lượng chức năng trên địa bàn đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 1.609 vụ với 1.320 đối tượng vi phạm, số tiền thu nộp ngân sách 43,67 tỉ đồng (tăng 2,34% so với cùng kỳ năm trước), xử lý hình sự 218 vụ/353 đối tượng (tăng 7,39% về số vụ và tăng 14,98% về đối tượng so với cùng kỳ năm trước).
Các mặt hàng bắt giữ chủ yếu: 2.109,1 kg pháo; 5.030 kg sản phẩm động vật; hơn 795 m3 gỗ và 6.100 kg lâm sản ngoài gỗ; 5.635 chai rượu ngoại, 41.818 lon bia; 663,5 tấn đường kính; 53.401 bao thuốc lá; 84.086 gói mỹ phẩm... Thực tế cho thấy, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn còn diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh.
Theo nhận định của cơ quan chức năng, trong những tháng cuối năm 2023 và dịp tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn Quảng Trị sẽ gia tăng, nhất là ma túy, pháo nổ, đường kính, bia rượu, thuốc lá, mỹ phẩm... Cùng với đó là tình trạng kinh doanh hàng hóa không niêm yết giá, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm, gian lận trong cân đong diễn biến phức tạp, khó nhận biết.
Để đấu tranh hiệu quả với buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, các lực lượng chức năng, nhất là hải quan, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, công an theo chức năng, nhiệm vụ của mình cần tăng cường lực lượng, phương tiện, nắm chắc tuyến, lĩnh vực, địa bàn, đối tượng và mặt hàng trọng điểm; làm tốt công tác dự báo, nắm bắt thông tin và phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại.
Tập trung đấu tranh với các đối tượng chủ mưu, cầm đầu; các đối tượng vận chuyển, mua bán hàng lậu, hàng giả, kinh doanh trái phép, trốn thuế trên các tuyến, địa bàn trọng điểm. Kịp thời phát hiện và triển khai triệt phá, xử lý nghiêm minh các vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm vi phạm hành chính đối với hàng hóa là những mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp cuối năm và Tết như: hàng điện tử, điện lạnh, quần áo, giày dép, bánh kẹo, rượu bia, thuốc lá...
Đặc biệt, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vận chuyển, buôn bán pháo nổ các loại; không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, nhằm góp phần đảm bảo ổn định thị trường để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Có cơ chế quản lý chặt chẽ hoạt động sàn giao dịch thương mại điện tử, các đơn vị nhận giao hàng hóa, hóa đơn bán hàng nhằm ngăn chặn, hạn chế tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Tiếp tục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng làm tốt công tác tuyên truyền về phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng hiểu và chấp hành pháp luật. Lồng ghép công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường với công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đến các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh và người dân.
Một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường đổi mới tác phong và lề lối, kỷ cương làm việc gắn với tổ chức tốt các phong trào, hoạt động thi đua trong đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ này. Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu và cán bộ trực tiếp quản lý địa bàn nếu để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả phức tạp, nghiêm trọng, kéo dài, gây bức xúc trong Nhân dân mà không có giải pháp khắc phục hiệu quả.
Quan tâm thực hiện tốt chế độ, chính sách, từng bước trang bị đầy đủ phương tiện, trang thiết bị cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ quan trọng này.