Tăng cường chống hạn cho cây trồng
Vừa qua, thời tiết nắng nóng kéo dài, gió Tây Nam thổi mạnh, nhiệt độ tăng cao trong nhiều ngày liên tục đã làm cho nhiều diện tích cây trồng bị khô hạn nặng, một số nơi, diện tích cây trồng cạn có nguy cơ chết vì thiếu nước. Mực nước ở các hồ đập thủy lợi đang giảm xuống nhanh, nhiều hồ đã giảm tới mực nước chết nên tình hình hạn hán càng thêm nghiêm trọng. Vì thế, chính quyền các cấp và ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp chống hạn nhằm đảm bảo vụ hè thu thắng lợi.
Gần như toàn bộ diện tích lúa của HTX Nam Hiếu, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ được tưới bằng nước lấy từ trạm bơm Vĩnh An nhưng từ đợt lấy nước cuối là ngày 19/6/2019 bị nhiễm mặn nên 73 ha lúa của HTX đã bị ảnh hưởng lớn. Trời nắng gắt, lượng nước bốc hơi nhanh, đồng ruộng HTX Nam Hiếu chuyển sang nứt nẻ mạnh, lúa bị cháy dần. Ông Hoàng Đức Nhiệm, phụ trách kiểm tra của HTX Hiếu Nam cho biết: “Nếu khoảng vài ngày nữa mà trời không mưa thì phần lớn diện tích lúa của HTX cháy sạch. Còn nếu trời có mưa thì năng suất lúa sau này cũng bị ảnh hưởng nặng, dự tính chỉ được 1 tạ/sào. Đến nay lúa đã tượng đòng rồi mà không có nước coi như mất mùa”.
Ngay từ đầu vụ hè thu, Sở Nông nghiệp và PTNT đánh giá, mùa khô năm 2019 có diễn biến khó lường, tới thời điểm này nắng nóng đã diễn ra trên diện rộng với mức độ gay gắt. Từ đầu vụ hè thu năm nay, lượng nước các hồ đập đã thấp hơn rất nhiều so với năm 2017, 2018, đạt bình quân 58,2% so với dung tích thiết kế. Có 4 hồ dung tích nước đạt dưới 50%, thấp nhất là hồ Tân Kim 29,2%, La Ngà 44,0%. Do đó, sau những ngày nắng khốc liệt vừa qua, nhiều hồ, đập trên địa bàn mực nước đã giảm xuống thấp hơn mực nước chết. Lượng nước các hồ chứa hiện chỉ còn khoảng 36% so với dung tích thiết kế. Các hồ lớn như Trúc Kinh, Nghĩa Hy, Kinh Môn và La Ngà không đủ nước để tưới tự chảy cho toàn bộ diện tích kế hoạch nên lượng nước hồi quy trên các kênh tiêu như: Vĩnh Sơn (La Ngà); Tân Bích (Kinh Môn); Hói Sòng (Trúc Kinh) và sông Cánh Hòm đã cạn kiệt, không đủ nguồn nước để tạo nguồn nước bơm tưới. Do đó vụ hè thu năm nay, tình hình thiếu nước tưới đã xảy ra ngay từ đầu vụ và đến nay nắng nóng đã tác động tiêu cực trên diện rộng đối với sản xuất và đời sống người dân.
Tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân, trong đó những địa phương bị ảnh hưởng nặng như: Gio Linh (446,5 ha); Cam Lộ (257,3 ha); Vĩnh Linh (249 ha)…Việc thiếu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cũng xảy ra tại một số nơi vùng sâu, vùng xa, vùng cao chưa xây dựng được công trình thủy lợi, còn phụ thuộc vào nguồn nước sinh thủy. Vì thế, ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh cũng như các địa phương, đơn vị hữu quan trên địa bàn tập trung mọi nguồn lực để chống hạn đang ở giai đoạn cao điểm nhất. Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Quản lí, khai thác thủy lợi Quảng Trị Lê Văn Trường cho biết: “Dự báo được tình hình hạn hán nặng xảy ra và trước tình hình mưa ít của năm 2018 nên công ty đã triển khai quyết liệt các giải pháp chống hạn ngay từ vụ đông xuân để tiết kiệm nước tưới cho vụ hè thu. Trên cơ sở lượng nước đầu vụ hè thu, kết hợp sử dụng các biện pháp hỗ trợ tưới chống hạn, công ty đã tính toán, lập kế hoạch tưới tiết kiệm, khoa học và phù hợp với từng vùng, từng công trình. Diện tích nào không đủ khả năng tưới thì công ty cũng báo cáo với chính quyền địa phương để có phương án chuyển đổi cây trồng cạn”.
Để ứng phó hiệu quả với tình hình hạn hán đang diễn ra nghiêm trọng như hiện nay, tỉnh chỉ đạo các địa phương và ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh dốc sức chống hạn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: “Tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương kiểm tra toàn bộ hồ đập giữ nước ngọt; khẩn trương xử lí những nơi bị rò rỉ, chống mất nước; điều tiết, phân phối nước hợp lí, thực hiện tưới nước tiết kiệm và khoa học; đồng thời đóng kín các cống ngăn mặn, giữ ngọt cuối các sông, hói không cho mặn xâm nhập vào nội đồng; lắp đặt các trạm bơm tạm để bơm tát kịp thời cứu lúa”.
Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, hiện nay các địa phương, đơn vị chuyên môn, Công ty TNHH MTV Quản lí, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị, các xã, HTX thực hiện đồng bộ các biện pháp chống hạn như: Điều tiết nước tưới hỗ trợ giữa các hệ thống công trình; tận dụng tối đa nguồn nước hồi quy trên hệ thống để sử dụng các trạm bơm điện bơm tưới; tưới tiết kiệm nước; biện pháp quản lí và biện pháp công trình… Thực hiện tưới kết hợp giữa hồ chứa và trạm bơm, Công ty TNHH MTV Quản lí khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị thực hiện phối hợp điều tiết tưới tối ưu giữa hồ chứa và trạm bơm với phương châm tận dụng tối đa các nguồn nước để tưới. Đối với hệ thống liên hồ, đập, thực hiện điều tiết tưới giữa các hồ và đập dâng để bổ sung lượng cho nhau, hồ nước nhiều điều tiết bổ sung cho hồ ít nước. Tiến hành đắp đập ngăn mặn trên các sông để các trạm bơm hoạt động bơm tưới. Công ty TNHH MTV Quản lí, khai thác công trình thủy lợi Quảng Trị chỉ đạo các xí nghiệp thủy nông thường xuyên kiểm tra để chống thất thoát nước và thực hiện điều tiết tưới nước tiết kiệm, khoa học.
Các HTX sẵn sàng cơ sở vật chất phục vụ bơm tát như máy bơm, máy phát điện để tận thu các nguồn nước tại chỗ bơm tưới cho cây trồng, tiến hành nạo vét kênh mương, kiểm tra cửa lấy nước, tận dụng triệt để các nguồn nước hồi quy ở các kênh tiêu, nguồn nước dưới mực nước chết ở các hồ đập để bơm tát chống hạn. Thực hiện tưới khoa học để tiết kiệm nước, thường xuyên kiểm tra các hồ, đập không để nước rò rỉ, tránh thất thoát nước; theo dõi tình hình xâm nhập mặn tại các trạm bơm tránh tình trạng bơm nhầm nước mặn tưới cho cây trồng. Đối với các vùng quá khó khăn về nguồn nước tưới thì chỉ tập trung tưới cho những diện tích còn có khả năng cho thu hoạch được, không nên tưới tràn lan, lãng phí nước đối với diện tích cây trồng nhiều khả năng bị mất trắng; chuẩn bị các điều kiện tốt hơn để tập trung cho sản xuất vụ đông xuân tới.
Việc ứng phó với khô hạn khốc liệt, đảm bảo vụ hè thu sản xuất thắng lợi, theo chỉ đạo của tỉnh, không chỉ ngành Nông nghiệp và PTNT và các cấp chính quyền mà cả hệ thống chính trị phải ráo riết vào cuộc cùng với ý thức chủ động của mỗi người dân…là những giải pháp căn cơ để toàn tỉnh khắc phục tốt sự tác động tiêu cực của đợt khô hạn này. Tỉnh cũng đang kiến nghị trung ương có biện pháp hỗ trợ trước mắt để ứng phó với tình hình nắng nóng kèo dài khắc nghiệt như hiện nay.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=140436