Tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát giữa các cấp tòa án - đề xuất hoàn thiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân
Sáng ngày 19/5, trong phiên thảo luận tại hội trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND), đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh có bài phát biểu đóng góp nhiều ý kiến quan trọng nhằm hoàn thiện dự thảo Luật, đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò kiểm tra, phối hợp và chế tài trong mối quan hệ giữa TAND cấp tỉnh và TAND khu vực, cũng như hiệu quả tổ chức Tòa chuyên trách và cơ chế bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo ngành Tòa án.

Quang cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức TAND. Ảnh: QUANG PHÚC
Về mối quan hệ phối hợp và chế tài kiểm tra giữa TAND cấp tỉnh và cấp khu vực (từ Điều 55 đến Điều 60)
Dự thảo Luật quy định TAND cấp khu vực là đơn vị chịu trách nhiệm xét xử sơ thẩm thông thường, thay thế TAND cấp huyện, trong khi TAND cấp tỉnh giữ vai trò quản lý theo địa bàn hành chính, đảm nhiệm các phiên phúc thẩm và giám đốc thẩm. Tuy nhiên, cơ chế giám sát, kiểm tra, và phối hợp giữa hai cấp này hiện vẫn còn nhiều khoảng trống. Nếu không quy định rõ mối quan hệ và trách nhiệm kiểm tra, hệ thống Tòa án có thể đối mặt với ba rủi ro: Một là, nguy cơ quản lý chồng chéo hoặc bỏ ngỏ: Nếu TAND cấp tỉnh không có công cụ kiểm tra thực chất, chất lượng xét xử tại TAND khu vực sẽ thiếu sự đảm bảo. Ngược lại, nếu kiểm tra quá mức hoặc không rõ ranh giới, có thể ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử. Hai là, khó khăn trong công tác tổ chức và nhân sự: Trong khi TAND cấp tỉnh đang là đầu mối tổ chức các hoạt động đào tạo, điều phối cán bộ, việc thiếu cơ chế phối hợp với TAND khu vực có thể làm giảm hiệu quả nhân lực và chất lượng chuyên môn. Ba là, thiếu kênh giám sát và phản hồi chéo: Nếu không có chế tài kiểm tra rõ ràng, sẽ không xử lý được các sai phạm xảy ra tại cấp khu vực – vốn là tuyến xét xử đầu tiên, dễ gặp rủi ro sai sót hoặc tiêu cực.

Đại biểu Thạch Phước Bình thảo luận tại Hội trường sáng ngày 19/5. Ảnh: media.quochoi.vn
Từ đó, đại biểu đề xuất 03 nhóm nội dung sửa đổi và bổ sung cụ thể trong dự thảo Luật:
Một là, về cơ chế kiểm tra - giám sát chuyên môn. Theo đó, bổ sung vào Điều 55 nội dung: “TAND cấp tỉnh có nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra định kỳ và đột xuất đối với hoạt động xét xử của TAND khu vực; báo cáo và kiến nghị lên Chánh án TANDTC các biện pháp xử lý vi phạm”. Sửa đổi Điều 56 theo hướng: “Chánh án TAND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức các đoàn kiểm tra về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, kỷ luật công vụ tại TAND khu vực, và gửi báo cáo định kỳ về TANDTC”.
Hai là, về cơ chế phối hợp chuyên môn, bổ sung vào Điều 57: “Ủy ban Thẩm phán TAND cấp tỉnh chịu trách nhiệm hướng dẫn, đánh giá chuyên môn đối với TAND khu vực và kiến nghị khi phát hiện sai phạm có hệ thống”. Bổ sung vào Điều 58: “Tòa chuyên trách tại TAND tỉnh hỗ trợ nghiệp vụ chuyên môn đối với các TAND khu vực tương ứng theo từng lĩnh vực”.
Ba là, về chế tài xử lý vi phạm, đề xuất bổ sung mới vào Điều 60: “Trường hợp phát hiện vi phạm nghiêm trọng trong xét xử hoặc kỷ luật công vụ, Chánh án TAND cấp tỉnh có quyền kiến nghị TANDTC xem xét kỷ luật hoặc thay đổi tổ chức, nhân sự tại TAND khu vực”.
Về Tòa chuyên trách (Điều 58 và Điều 61)
Đại biểu bày tỏ đồng tình cao với chủ trương thành lập Tòa chuyên trách, vì đây là bước đi tất yếu trong bối cảnh phân hóa và chuyên môn hóa hoạt động tư pháp hiện đại. Những lĩnh vực như sở hữu trí tuệ hay phá sản doanh nghiệp có đặc thù phức tạp, mang tính liên ngành và đòi hỏi đội ngũ thẩm phán có kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm thực tiễn và khả năng xử lý các tranh chấp có yếu tố mới, tác động lớn đến môi trường đầu tư và sáng tạo. Theo đánh giá, Tòa chuyên trách nếu được tổ chức hợp lý sẽ góp phần nâng cao chất lượng xét xử, thúc đẩy sự hình thành án lệ và đảm bảo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật ở các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao hoặc có ảnh hưởng kinh tế - xã hội lớn.
Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ ra những bất cập lớn trong dự thảo hiện nay, khi thiếu tiêu chí cụ thể để xác định nơi nào đủ điều kiện thành lập Tòa chuyên trách. Một số câu hỏi thực tế vẫn chưa được làm rõ, chẳng hạn: Bao nhiêu vụ việc mỗi năm là đủ để thành lập Tòa chuyên trách? Địa bàn nào nên ưu tiên triển khai trước? Nguồn nhân lực chuyên môn sẽ được tuyển dụng, đào tạo và bố trí ra sao? Hạ tầng và chi phí vận hành có đảm bảo hiệu quả hay không? Nếu không được quy định rõ ràng, quy mô các Tòa chuyên trách có thể bị dàn trải, không đủ thẩm phán chuyên sâu, dẫn tới giảm hiệu quả thực tế, thậm chí lãng phí nguồn lực đầu tư.
Từ đó, trên tinh thần xây dựng, đại biểu đã đề xuất 02 nhóm kiến nghị sửa đổi, bổ sung đối với Điều 58 và Điều 61 của Dự thảo Luật: Một là, bổ sung tiêu chí thành lập Tòa chuyên trách. Đề xuất quy định rõ việc thành lập Tòa Sở hữu trí tuệ, Tòa Phá sản tại các TAND khu vực phải căn cứ trên: Số lượng trung bình các vụ án chuyên ngành trong 3 năm liên tiếp tại địa bàn; Tính chất phát triển kinh tế - xã hội của khu vực, đặc biệt là các trung tâm kinh tế, công nghệ, doanh nghiệp; Chất lượng đội ngũ thẩm phán, đảm bảo có chuyên môn sâu và năng lực độc lập; năng lực cơ sở vật chất, hạ tầng và các điều kiện hỗ trợ khác. Hai là, đề nghị giao Chánh án TAND tối cao ban hành thông tư hướng dẫn riêng quy định tiêu chí cụ thể cho từng loại Tòa chuyên trách. Thông tư này cũng cần quy định quy trình đề xuất, phê duyệt, đánh giá hiệu quả sau khi các Tòa chuyên trách được thành lập, tránh hình thức hoặc chồng chéo chức năng.
Về bổ nhiệm, đánh giá và trách nhiệm của Chánh án, Phó Chánh án
Theo dự thảo Luật, Chánh án và Phó Chánh án có nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể nào về: tiêu chí đánh giá định kỳ trong suốt nhiệm kỳ; Cơ chế xem xét lại trước khi tái bổ nhiệm; nguyên tắc minh bạch trong miễn nhiệm, thay thế lãnh đạo khi không hoàn thành nhiệm vụ. Điều này dễ dẫn đến tâm lý “an toàn nhiệm kỳ”- tức là sau khi được bổ nhiệm, lãnh đạo tòa án ít phải đối mặt với áp lực đánh giá định kỳ hoặc trách nhiệm giải trình cụ thể. Từ đó, có nguy cơ làm giảm tinh thần trách nhiệm, sự chủ động và hiệu quả điều hành trong hệ thống tư pháp.
Trước thực trạng này, đại biểu đã đề xuất 02 sửa đổi quan trọng nhằm siết chặt kỷ luật công vụ và nâng cao chất lượng đội ngũ lãnh đạo ngành Tòa án: Một là, đánh giá định kỳ gắn với kết quả công tác thực tiễn. Đề xuất bổ sung khoản mới vào Điều 80 và Điều 81, quy định rõ: “Việc bổ nhiệm lại hoặc miễn nhiệm Chánh án, Phó Chánh án được căn cứ trên kết quả đánh giá định kỳ hàng năm, gồm: hiệu quả tổ chức hoạt động xét xử; Chỉ số tín nhiệm nội bộ trong hệ thống Tòa án; mức độ giải quyết đơn thư khiếu nại, phản ánh từ công dân và tổ chức; kết quả thực hiện chỉ tiêu cải cách tư pháp tại địa phương”. Đây là bốn chỉ số then chốt, vừa phản ánh nội lực của đội ngũ lãnh đạo, vừa đánh giá được tác động thực tiễn đến người dân, tổ chức và chất lượng tư pháp. Hai là, trách nhiệm giải trình bắt buộc trước khi tái bổ nhiệm.
Bên cạnh đánh giá nội bộ, đại biểu kiến nghị bổ sung nghĩa vụ giải trình theo hướng: “Chánh án, Phó Chánh án có trách nhiệm giải trình trước TAND tối cao và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về kết quả công tác trong suốt nhiệm kỳ và trước khi được xem xét bổ nhiệm lại”. Quy định này sẽ tạo ra cơ chế kiểm soát kép: một mặt là trách nhiệm đối với hệ thống ngành dọc (TAND tối cao), mặt khác là sự giám sát từ nhân dân thông qua cơ quan dân cử tại địa phương (Hội đồng nhân dân). Điều này đảm bảo sự minh bạch và trách nhiệm công khai của người đứng đầu Tòa án.