Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách xã hội

Hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn thời gian qua đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện cải thiện, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần quan trọng thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Lãnh đạo NHCSXH kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của 1 hộ dân tại phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Bắc Kạn.

Lãnh đạo NHCSXH kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn của 1 hộ dân tại phường Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Bắc Kạn.

Qua thực tế triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TU ngày 16/10/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh cho thấy nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội được nâng lên. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng thực hiện chủ trương giảm nghèo, tạo việc làm, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân; giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Trong 05 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn (NHCSXH) giải ngân cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác đạt 3.353 tỷ đồng. Trong đó, hơn 76.000 hộ vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; 276 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn; giúp gần 1.700 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; xây dựng mới và cải tạo, sửa chữa hơn 31.500 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường... Số vốn thu hồi đạt 2.585 tỷ đồng.

Thực hiện chủ trương huy động nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, hằng năm UBND tỉnh và các huyện, thành phố xây dựng trình HĐND cùng cấp phê duyệt dự toán ngân sách nhà nước đối với nguồn vốn từ ngân sách ủy thác qua NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Trong đó, ngân sách tỉnh từ năm 2018- 2021 chuyển vốn ủy thác là 3 tỷ đồng/năm, năm 2022 là 4 tỷ đồng; đối với nguồn vốn từ ngân sách các huyện và thành phố, từ năm 2018 - 2021 chuyển vốn ủy thác từ 250 đến 500 triệu đồng/huyện/năm, năm 2022 là 500 triệu đồng. Tính đến 31/7/2022, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương là 43 tỷ đồng, tăng 33 tỷ đồng so với cuối năm 2017.

Bên cạnh kết quả đạt được, việc tổ chức triển khai tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh còn một số hạn chế như chất lượng tín dụng chưa đồng đều ở một số địa phương; chưa huy động được sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Tỷ lệ nợ xấu ở mức tương đối thấp nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro...

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 14-CT/TU, tại Kết luận số 84-KL/TU ngày 18/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau: Tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 14-CT/TU; Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và Kế hoạch số 49-KH/TU ngày 12/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách xã hội; xác định công tác tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.

Tổ chức thực hiện tốt chủ trương huy động các nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, gắn với việc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Ưu tiên cân đối ngân sách đến mức cao nhất có thể để ủy thác NHCSXH thực hiện cho vay theo quy định.

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và NHCSXH tăng cường phối hợp trong quản lý, nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội. Xây dựng cơ chế lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với chương trình phát triển kinh tế - xã hội...

Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH chủ động xây dựng kế hoạch, đề án tổng thể thực hiện tín dụng Chính sách xã hội giai đoạn 2023 - 2025 và giai đoạn 2025 - 2030 phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, đảm bảo việc thực hiện đạt hiệu quả. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát tín dụng chính sách tại cơ sở, đảm bảo việc sử dụng vốn của các hộ vay đúng đối tượng, đúng mục đích và phát huy hiệu quả cao nhất./.

Hoàng Vũ

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/kinh-te/202211/tang-cuong-cong-tac-lanh-dao-chi-dao-thuc-hien-tin-dung-chinh-sach-xa-hoi-0f535d7/