Tăng cường công tác phối hợp, hoàn thành nhiệm vụ
Năm 2020 được coi là năm nhiều khó khăn, do tác động của dịch Covid-19. Ðể hoàn thành khối lượng công việc, toàn ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang 'chạy đua' cùng thời gian, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương, triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Năm 2020 được coi là năm nhiều khó khăn, do tác động của dịch Covid-19. Ðể hoàn thành khối lượng công việc, toàn ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đang "chạy đua" cùng thời gian, phối hợp chặt chẽ các bộ, ngành, địa phương, triển khai nhiều giải pháp để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nhiều khó khăn
Theo báo cáo của BHXH Việt Nam, tính đến hết tháng 10-2020, cả nước có hơn 15,67 triệu người tham gia BHXH (đạt 31,8% lực lượng lao động trong độ tuổi). Trong đó, có hơn 14,78 triệu người tham gia BHXH bắt buộc; 891.494 người tham gia BHXH tự nguyện; hơn 13,03 triệu người tham gia bảo hiểm (BH) thất nghiệp (đạt 26,5% lực lượng lao động trong độ tuổi); và hơn 86,2 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt tỷ lệ bao phủ 89,6% dân số. Có thể thấy, so cuối năm 2019, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện và BHYT có tăng, nhưng số người tham gia BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp đang có xu hướng giảm. Theo tính toán, từ nay đến cuối năm, để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm 2020, toàn ngành cần phải phát triển thêm hơn 1,56 triệu người tham gia BHXH; hơn 1,25 triệu người tham gia BH thất nghiệp. Riêng với BHYT, để đạt tỷ lệ bao phủ 90,7% dân số theo kế hoạch, cần phải vận động thêm 1,8 triệu người tham gia.
Về số thu, tính đến hết tháng 10-2020, toàn ngành thu đạt 77,3% kế hoạch năm; số tiền nợ BHXH, BHYT khoảng 21.269 tỷ đồng (tăng 41% so cùng kỳ năm 2019). Theo báo cáo của các tỉnh, thành phố, tính đến tháng 10-2020, cả nước còn 632 đơn vị, doanh nghiệp bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất, tương ứng với 74.884 lao động và số tiền khoảng 328 tỷ đồng.
Ðặc biệt, năm 2020, dịch Covid-19 và mưa lũ kéo dài đã ảnh hưởng rất lớn tới kết quả thực hiện nhiệm vụ của một số địa phương, nhất là công tác phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, công tác thu và thu hồi nợ. Bên cạnh đó, kết quả phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện cũng chưa đạt hiệu quả cao do thời gian giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 kéo dài.
Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam Chu Mạnh Sinh cho biết, trước tình hình bão, lũ tại miền trung, BHXH Việt Nam cũng ban hành văn bản chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão, lũ triển khai một số nhiệm vụ để kịp thời ứng phó với những tác động của bão lũ, tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BH thất nghiệp, BHYT, bảo đảm quyền lợi của đơn vị, doanh nghiệp và người dân...
Như tại tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 10-2020, đã giảm 16.460 lao động tham gia BHXH so tháng 12-2019, tương đương giảm 150 tỷ đồng số phải thu. Riêng Công ty Giày Rieker, chỉ trong tháng 8 giảm hơn 9.000 lao động, làm hụt số thu hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, BHXH tỉnh đã phát động đợt thi đua nước rút ba tháng cuối năm, trong đó tập trung vào công tác thu, giảm nợ đọng và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả từ ngày 1 đến 31-10, đại lý thu các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã vận động được 1.847 người tham gia BHXH tự nguyện…
Tăng cường công tác phối hợp liên ngành
Tại hội nghị giao ban công tác tháng 11, đại diện lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố đã chia sẻ, đánh giá về những khó khăn vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ thời gian qua. Công tác phát triển đối tượng tham gia luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành BHXH, tuy nhiên trong năm 2020 do tác động và ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã gây ra không ít khó khăn cho việc triển khai thực hiện, đặc biệt trong phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc cũng như tự nguyện. Việc phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu được Chính phủ giao được xem là một thách thức lớn đối với toàn ngành. Bên cạnh đó, tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của một số đơn vị sử dụng lao động vẫn còn phổ biến; tỷ lệ nợ đọng còn cao; việc xử lý nợ kéo dài đối với các doanh nghiệp phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn, ngừng hoạt động chưa được các luật có liên quan điều chỉnh. Số người đề nghị hưởng BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BH thất nghiệp vẫn còn xảy ra ở một số địa phương, đơn vị...
Trước thực tế nêu trên, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề nghị, các đơn vị trực thuộc, BHXH các địa phương tiếp tục tập trung, quyết liệt nâng cao chất lượng, hiệu quả trong thực hiện các nhiệm vụ được giao; chủ động tìm cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đặc biệt trong công tác thu, phát triển đối tượng. Theo Tổng Giám đốc, mặc dù xác định BHXH bắt buộc khó đạt mục tiêu do nguyên nhân khách quan, nhưng toàn ngành bằng mọi biện pháp phải đạt được mức tăng so năm 2019. Các địa phương cần rà soát dữ liệu, nắm rõ tình hình để xác định, sắp xếp theo thứ tự ưu tiên các đối tượng tiềm năng, bám sát cơ sở để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH bằng nhiều hình thức phù hợp; đối chiếu dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để xác định số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc; tăng cường thực hiện thanh tra chuyên ngành đột xuất. BHXH các địa phương có thể tham mưu cho Tỉnh ủy ra Nghị quyết hằng năm về phát triển BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; để trên cơ sở đó Tỉnh ủy sẽ giao chỉ tiêu đến tận cấp xã để từng xã có chỉ tiêu phát triển đối tượng riêng. "Nếu làm được, chắc chắn sẽ có chuyển biến lớn trong công tác phát triển đối tượng. Giao chỉ tiêu cho từng phường, từng xã, coi đây là đại lý và chính quyền cấp xã sẽ có trách nhiệm hoàn thành chỉ tiêu này".
Ðặc biệt, BHXH Việt Nam chuẩn bị đưa ứng dụng VssID - Bảo hiểm xã hội số vào hoạt động, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, đây thật sự là một bước tiến của ngành. Ứng dụng VssID sẽ cung cấp các thông tin thiết yếu, liên quan đến quá trình đóng - hưởng và thực hiện giám sát nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động của người sử dụng lao động; từ đó góp phần công khai, minh bạch thông tin về quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, BHYT. Việc làm giàu dữ liệu của VssID lên, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân trong tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.