Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Với phương châm 'Từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, phường an toàn'; lấy phòng ngừa là chính, 'cơ bản - chiến lược - lâu dài', thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Trị được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nhờ đó đã góp phần kiểm soát tối đa khả năng để xảy ra cháy, nổ cũng như giảm thiểu số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy -Ảnh: D.T

Thực tập phương án chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tại Tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy -Ảnh: D.T

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hiện có 799 khu dân cư, trong đó có 17 khu dân cư có nguy cơ cháy nổ cao, với tổng số trên 180.300 hộ gia đình (gần 5.800 hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh).

Thực hiện Chỉ thị số 01/CTTTg ngày 3/1/2025 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác PCCC trong tình hình mới và Kế hoạch số 273 ngày 1/6/2022 của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, lực lượng công an đã làm tốt vai trò tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các nội dung của kế hoạch.

Công an tỉnh tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 94 ngày 13/1/2022 quy định tạm thời về an toàn PCCC đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Thực hiện Quyết định số 94 của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đã ban hành kế hoạch và tổ chức triển khai, hướng dẫn, tuyên truyền đến các khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) đối với các công trình thuộc đối tượng thẩm duyệt, thiết kế về PCCC, đặc biệt là các cơ sở chuyển đổi công năng có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở có tập trung đông người như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà cao tầng...

Cùng với đó, công tác kiểm tra an toàn PCCC và CNCH được lực lượng chức năng thường xuyên chú trọng. Thông qua công tác kiểm tra đã chủ động phát hiện những tồn tại, thiếu sót về công tác PCCC và CNCH để đề ra giải pháp khắc phục, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân và doanh nghiệp; hướng dẫn người đứng đầu cơ sở sản xuất, kinh doanh có biện pháp khắc phục, ngăn chặn nguy cơ cháy, nổ; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và CNCH, bố trí lực lượng sẵn sàng xử lý các tình huống, sự cố cháy, nổ xảy ra.

Trong 3 năm, đơn vị đã tiến hành hơn 8.500 lượt kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH, lập hơn 8.500 biên bản kiểm tra, kiến nghị cơ sở khắc phục hơn 11.900 thiếu sót về PCCC và CNCH.

Công tác tuyên truyền về PCCC được đẩy mạnh. Lực lượng công an phối hợp tổ chức gần 3.000 buổi tuyên truyền trực tiếp đến người dân, với gần 224.00 lượt người tham gia.

Tổ chức gần 7.000 lượt tuyên truyền thông qua lồng ghép trong các hoạt động sinh hoạt của chi bộ, tổ dân phố, đoàn thể... tại khu dân cư, với gần 112.000 lượt người tham gia; phát hơn 107.000 tờ rơi; tuyên truyền, vận động các cơ quan, đơn vị, cơ sở treo hơn 5.400 băng rôn, pano cổ động về PCCC. Tổ chức hơn 1.500 lượt tuyên truyền lưu động và trải nghiệm, thực hành chữa cháy, CNCH với gần 8.200 người tham gia...

Từ việc đổi mới nội dung, công tác tuyên truyền đã tạo chuyển biến về nhận thức và hành động của người dân, chủ các doanh nghiệp trong công tác PCCC. Từ đó người đứng đầu cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ gia đình có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, kiến thức về chữa cháy và thoát nạn phù hợp với từng đối tượng quản lý.

Đến nay, hơn 71.000 hộ gia đình được trang bị bình chữa cháy xách tay; hơn 144.000 hộ gia đình được trang bị dụng cụ phá dỡ; 100% (3.241/3.241) hộ gia đình có tầng 2 trở lên đã thực hiện việc mở lối thoát nạn thứ 2.

Công tác xây dựng các mô hình an toàn về PCCC và CNCH được tiếp tục quan tâm thực hiện. Toàn tỉnh đã xây dựng, duy trì hoạt động 84 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”, 37 mô hình “Điểm chữa cháy công cộng”, 1 mô hình “Khu dân cư an toàn PCCC”, 1 mô hình “Doanh nghiệp an toàn PCCC”, 1 mô hình “Chợ an toàn PCCC”, 1 mô hình “PCCC các doanh nghiệp trên địa bàn thị xã Quảng Trị”...

Các mô hình phong trào Toàn dân tham gia PCCC thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo nên hiệu ứng lan tỏa rộng rãi, để “mỗi người dân là một chiến sĩ PCCC”.

Với chức năng, nhiệm vụ của mình, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tổ chức gần 1.800 buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng về PCCC và thoát nạn cho các thành viên hộ gia đình, với gần 165.000 người tham gia.

Tổ chức thực tập 22 lượt phương án chữa cháy và CNCH tại 22 khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn; thực tập 84 phương án chữa cháy và CNCH tại các “Tổ liên gia an toàn PCCC”... nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng xử lý các tình huống cho người dân, góp phần làm giảm số vụ cháy, thiệt hại về người và tài sản trong các khu dân cư, hộ gia đình.

Việc triển khai đồng bộ những giải pháp trên đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; phong trào Toàn dân tham gia PCCC được đông đảo người dân hưởng ứng, tham gia; số vụ cháy, nổ tại hộ gia đình, hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hạn chế đáng kể...

Từ những kết quả tích cực đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH công an toàn tỉnh tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng các mô hình PCCC nhằm huy động sức mạnh toàn dân trong công tác này với mục tiêu giảm thiểu tối đa các vụ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ xảy ra.

Diệu Thúy

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/tang-cuong-cong-tac-phong-chay-chua-chay-doi-voi-khu-dan-cu-ho-gia-dinh-nha-de-o-ket-hop-san-xuat-kinh-doanh-186355.htm