Tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi phòng chống bệnh SXH.

Nhân viên y tế phun hóa chất diệt muỗi phòng chống bệnh SXH.

ĐÀ NẴNG - Thực hiện Công văn số 1634/H06-P2 của Cục Y tế - Bộ Công an, về việc báo cáo tình hình dịch bệnh truyền nhiễm; tình hình thu dung, điều trị bệnh sốt xuất huyết (SXH), Giám đốc Công an TP yêu cầu Công an (CA) các đơn vị, địa phương tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH.

Theo đó, Giám đốc CATP yêu cầu CA các đơn vị, địa phương tiếp tục thực hiện các văn bản chỉ đạo của Cục Y tế - Bộ Công an và UBND TP Đà Nẵng về việc phòng chống bệnh SXH. CA các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống bệnh SXH, như: Tổ chức vệ sinh doanh trại đơn vị; diệt lăng quăng (bọ gậy), thu gom lật úp, xử lý dụng cụ phế thải chứa nước, đậy kín các vật dụng chứa nước mưa, nước sinh hoạt,... để loại bỏ nơi trú ngụ, sinh sản, phát triển của muỗi; thả cá vào các dụng cụ chứa nước để cá ăn lăng quăng (bọ gậy), phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, phun hóa chất diệt muỗi diện rộng tại các khu vực có nguy cơ; ngủ màn cả ban ngày. CBCS, CNV CATP cần phải chủ động hơn trong công tác phòng chống bệnh SXH.

Bên cạnh đó, Phòng Hậu cần (Ban Y tế) tiến hành phun hóa chất phòng chống dịch bệnh tại trụ sở CATP và CA các đơn vị có trụ sở độc lập; cấp phát hóa chất phòng chống bệnh SXH cho CA các đơn vị có y tế cơ sở tổ chức phun hóa chất tại các đơn vị. CA các đơn vị, địa phương thực hiện tốt công tác giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, xử lý triệt để khi có dịch bệnh xảy ra, hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Ngoài ra, CA các quận, huyện, Trại tạm giam CATP chịu trách nhiệm trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh SXH tại Trại tạm giam, Nhà tạm giữ khống chế không để xảy ra ổ dịch. Đồng thời, CA các đơn vị, địa phương thực hiện công tác báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch truyền nhiễm.

Từ đầu năm đến ngày 15-9, toàn TP Đà Nẵng ghi nhận hơn 4.257 trường hợp mắc SXH (tăng 2,73 lần so với cùng kỳ năm 2018), đứng thứ 3 trong khu vực 11 tỉnh miền Trung về số ca mắc. Hiện nay, bệnh SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc-xin để phòng bệnh. Biện pháp chủ yếu là diệt lăng quăng (bọ gậy), không có lăng quăng thì không có SXH.

L.HÙNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_213108_tang-cuong-cong-tac-phong-chong-dich-benh-sot-xuat.aspx