Tăng cường công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới
Thái Nguyên ở vị trí trung tâm các tỉnh vùng Đông - Bắc, giao thông thuận lợi, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về tệ nạn xã hội, trong đó có tệ nạn ma túy. Chính vì vậy, thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh luôn quan tâm, ngăn ngừa, hạn chế về những hậu quả không đáng có do ma túy gây nên.
Để triển khai, thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tình hình mới, các cấp, ngành chức năng của tỉnh thường xuyên có sự phối hợp vào cuộc, cùng hướng đến mục tiêu 3 giảm là: giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại. Các hoạt động tuyên truyền về tác hại, hậu quả khó lường từ ma túy được vận dụng, triển khai linh hoạt phù hợp với từng đối tượng và từng khu vực khác nhau.
Trong 5 năm gần đây, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị; các huyện, thành, thị và chính quyền xã, thị trấn tổ chức 316 hội nghị tập huấn; hơn 3.000 hội nghị tuyên truyền phòng, chống các tệ nạn xã hội với hơn 130.000 lượt người tham dự; tổ chức căng treo 1.260 tấm pa nô, băng zôn; cấp phát gần 50.000 tờ rơi; phát hành gần 32.000 tài liệu, sách và 450 đĩa truyền thông về công tác phòng, chống tệ nạn xã hội.
Thiết thực hơn, Sở phối hợp cùng các doanh nghiệp, trường học, cơ quan Nhà nước để tuyên truyền về tác hại của ma túy. Qua đó, người dân được tiếp cận với các văn bản, chính sách pháp luật mới có liên quan tới ma túy. Hiện nhiều tổ dân phố xây dựng, duy trì hiệu quả câu lạc bộ giáo dục đồng đẳng, câu lạc bộ nói không với ma túy. Nhiều gia đình động viên con em, người thân chấp hành cai nghiện ma túy. Ngoài tuyên truyền, vận động, các xóm, tổ dân phố đều xây dựng được hương ước, quy ước trong đó quy định các gia đình, xóm, tổ dân phố không mắc các tệ nạn xã hội, không để phát sinh người nghiện.
Hiện, trên địa bàn tỉnh có gần 5.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý. Theo các nhà chuyên môn thì đây chỉ là phần nổi của tàng băng trôi. Do vậy, ngoài tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy, còn cần sự vào cuộc có trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng và mọi người dân. Nhất là trong công tác cai nghiện, tỉnh linh hoạt tổ chức nhiều hình thức phù hợp như: Cai nghiện tự nguyện tại gia đình; cai nghiện tự nguyện tập trung và cai nghiện bắt buộc tại cơ sở. Hiện, hầu hết các cơ sở cai nghiện của tỉnh cũng đã thực hiện lồng ghép chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội về dạy nghề; kết hợp lao động trị liệu với tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người cai nghiện tập trung. Sau cai, người nghiện được vay vốn, hỗ trợ việc làm. Từ năm 2015 đến hết năm 2019, các cơ sở cai nghiện tập trung của tỉnh đã cai nghiện cho 6.712 lượt người, riêng năm 2019 cai cho 1.422 người. Dự kiến năm 2020 cai nghiện cho 1.000 người, trong đó có nhiều người từ các tỉnh khác đến cai nghiện ma túy tự nguyện.
Nhằm xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống ma túy ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư. Xây dựng mới, duy trì và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến vè phòng, chống ma túy tại địa bàn cơ sở. Phát động phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, tích cực tham gia phòng, chống ma túy và các phong trào thi đua khác để xây dựng xã, phường, thị trấn không có ma túy.