Tăng cường công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm, vi phạm pháp luật

Thời gian qua, công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia; từ đó, tình hình an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội còn xảy ra nhiều, trong 10 tháng đầu năm 2023 phát hiện 11 vụ tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, 41 vụ tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, 450 vụ tội phạm xâm phạm sở hữu; tình hình tội phạm liên quan các nhóm thanh thiếu niên côn đồ sử dụng các loại hung khí, vũ khí gây rối trật tự công cộng, cố ý gây thương tích; tội phạm, vi phạm pháp luật về ma túy với phương thức, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi, manh động, trẻ hóa là nguy cơ tiềm ẩn phát sinh tội phạm hình sự.

Nguyên nhân do một ít cấp ủy, chính quyền có lúc chưa quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác phòng, chống tội phạm; công tác tuyên truyền chưa duy trì thường xuyên, nội dung, hình thức, biện pháp chưa phù hợp với từng địa bàn, đối tượng; công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng có nguy cơ phạm tội, vi phạm pháp luật chưa hiệu quả, số đối tượng tiến bộ còn ít; công tác nắm tình hình, giải quyết mâu thuẫn trong nhân dân có lúc chưa kịp thời; các mô hình, cuộc vận động, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc chưa lan tỏa, bền vững...

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các Ban đảng, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn; các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể tỉnh; cấp ủy huyện và tương đương thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về phòng, chống tội phạm với nhiều hình thức phong phú, sinh động, thiết thực, hiệu quả để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân. Chú trọng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở.

Tổ chức tuyên truyền phòng, chống tội phạm trong các cơ sở giáo dục, đào tạo và triển khai các đợt cao điểm truyền thông về phòng, chống tội phạm nói chung, từng loại tội phạm nói riêng như tội phạm giết người, xâm hại tình dục trẻ em, xâm phạm sở hữu, tội phạm công nghệ cao, tội phạm ma túy…

2. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức Đảng, trách nhiệm nêu gương của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; sự điều hành của chính quyền các cấp; trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm, vi phạm pháp luật; đề ra các chương trình, kế hoạch phù hợp với đặc điểm của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia phòng ngừa xã hội.

Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác nắm, phân tích đánh giá, dự báo tình hình, nhận diện nguyên nhân, điều kiện phát sinh các loại tội phạm, nhất là tội phạm do nguyên nhân xã hội; thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm, vi phạm pháp luật; phòng ngừa từ sớm, từ xa, nhất là địa bàn cơ sở nhằm làm giảm bền vững các loại tội phạm.

Thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Tăng cường tiếp xúc, gặp gỡ, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền với nhân dân; nâng cao hơn nữa chất lượng, số lượng các cuộc đối thoại định kỳ, đột xuất; thường xuyên lắng nghe, nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, trật tự; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; kịp thời giải quyết những vấn đề người dân bức xúc, phản ánh, kiến nghị, nhất là việc triển khai các công trình, dự án có thu hồi đất; công trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo, vệ sinh an toàn thực phẩm, xử lý rác thải, môi trường, phòng, chống tội phạm... tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

3. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo sự đồng thuận đối với các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào tổ chức; xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả; phân công cán bộ trực tiếp nắm bắt tình hình tại cơ sở, địa bàn dân cư để tham mưu, đề xuất cấp ủy xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh.

Thực hiện tốt công tác tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân; giám sát chặt chẽ các cơ quan nhà nước trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Tiếp tục thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền theo Quyết định 217, 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị; giám sát việc xử lý kiến nghị chính đáng của nhân dân đối với các cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp.

4. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy vai trò của tổ hòa giải, người có uy tín ở cộng đồng dân cư trong việc phát hiện, xử lý kịp thời các mâu thuẫn trong nhân dân, không để xảy ra các vụ phạm tội, vi phạm pháp luật, góp phần làm giảm các loại tội phạm; tăng cường vận động công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường, địa bàn dân cư.

Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho các hòa giải viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân điển hình, mô hình tốt nhằm khích lệ quần chúng nhân dân tích cực tham gia phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Duy trì, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể trong công tác phòng ngừa xã hội đối với tội phạm, vi phạm pháp luật, nhất là công tác phối hợp, hiệp đồng giữa lực lượng Công an, Quân sự, Bộ đội Biên phòng.

Phát huy vai trò của lực lượng Công an cơ sở trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, bảo đảm an ninh, trật tự ngay tại khu dân cư; kịp thời phát hiện, giải quyết mâu thuẫn, xung đột xã hội, nhất là liên quan đến vấn đề đất đai, môi trường, thực hiện chế độ chính sách, không để phát sinh vụ việc phức tạp, hình thành “điểm nóng” về an ninh, trật tự; xây dựng “thế trận lòng dân”.

5. Tăng cường quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, nhất là quản lý cư trú, xuất cảnh, nhập cảnh; quản lý chặt chẽ lao động người nước ngoài, vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quản lý các ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự.

Quản lý chặt số đối tượng có án ngoài hình phạt tù; đồng thời, thực hiện các biện pháp quản lý, giúp đỡ người được tha tù để họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm. Củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở; rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân; giải tỏa, đền bù các dự án có thu hồi đất, không để xảy ra khiếu kiện đông người, kéo dài, gây phức tạp về an ninh trật tự.

6. Đảng ủy Quân sự, Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt các mặt công tác phòng, chống tội phạm, ma túy, buôn bán người, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên tuyến biên giới biển; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ các tuyến, địa bàn, nhất là địa bàn giáp ranh nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động của các loại tội phạm và hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép; tuyên truyền, vận động nhân dân ở khu vực biên giới biển, ngư dân chấp hành nghiêm pháp luật, tích cực tham gia tố giác tội phạm, giữ vững an ninh, trật tự khu vực biên giới biển.

7. Đảng ủy Công an tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an phối hợp với các ngành, các địa phương nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa xã hội, nhất là đối với nhóm tội phạm giết người do nguyên nhân xã hội, tội phạm ma túy, tội phạm xâm hại tình dục trẻ em, tội phạm trộm cắp tài sản, tội phạm đường phố, hoạt động tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”...

Nâng cao chất lượng công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nhất là công tác tiếp nhận, kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của Công an cấp xã. Phấn đấu kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội ít nhất 5% so với năm 2022; tỷ lệ điều tra, khám phá án về trật tự xã hội đạt trên 75% (trong đó, án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90%); 100% tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị, khởi tố được tiếp nhận, xử lý, trong đó tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Công an cơ sở trong thực thi nhiệm vụ; nâng cao chất lượng phòng ngừa xã hội gắn với công tác quản lý chặt chẽ địa bàn, dân cư, đối tượng để sớm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý tội phạm. Đẩy mạnh việc rà soát, lập hồ sơ và quản lý đối tượng nghiện ma túy tại cộng đồng đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Thực hiện tốt việc tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người có tiền án, tiền sự để ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm tội.

8. Thực hiện nghiêm các Quy định của Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, về xử lý kỷ luật đảng viên. Thường xuyên giáo dục, động viên cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức gương mẫu tham gia phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức để người thân trong gia đình vi phạm pháp luật; bao che, dung túng tội phạm hoặc có biểu hiện tiêu cực khác.

Phát huy vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Kiểm tra, Thanh tra, cơ quan dân cử, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức thành viên, báo chí và nhân dân trong kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực thi trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan, người có trách nhiệm, thẩm quyền trong phòng ngừa tội phạm.

9. Giao Đảng ủy Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Văn phòng Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy triển khai, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nội dung công văn này; thường xuyên báo cáo tình hình và kết quả thực hiện về Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy để có chỉ đạo kịp thời.

PV

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202311/tang-cuong-cong-tac-phong-ngua-xa-hoi-doi-voi-toi-pham-vi-pham-phap-luat-995328/