Tăng cường công tác quản lý dược, phòng, chống thuốc giả
Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực dược là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trực tiếp liên quan đến việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân. Với vai trò chỉ đạo toàn diện, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều chủ trương, giải pháp để triển khai đồng bộ công tác quản lý dược trên toàn tỉnh, đảm bảo tính chủ động, chặt chẽ, hiệu quả và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc chữa bệnh
Mạng lưới cơ sở hành nghề dược trên địa bàn tỉnh được củng cố và phân bố đồng đều, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ở mọi khu vực, kể cả vùng sâu, vùng xa. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO, 7 cơ sở bán buôn thuốc đạt tiêu chuẩn GDP và 1.110 cơ sở bán lẻ thuốc đạt tiêu chuẩn GPP. Hệ thống bán lẻ này phủ rộng khắp các xã, phường, thị trấn, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm cung ứng thuốc an toàn, hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
Về công tác chỉ đạo, UBND tỉnh đã giao Sở Y tế chủ động triển khai kịp thời các văn bản pháp luật mới về dược và mỹ phẩm thông qua các hình thức như đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của ngành Y tế, ban hành công văn hướng dẫn gửi đến các cơ sở khám, chữa bệnh, các cơ sở kinh doanh dược, Phòng Y tế các huyện, thành phố. Các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế liên quan đến cảnh báo thuốc giả, thuốc lưu hành trái phép cũng được triển khai nghiêm túc trên toàn địa bàn, nhằm nâng cao hiệu lực quản lý, đồng thời kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, đảm bảo an toàn và quyền lợi chính đáng của người dân.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Y tế đã phối hợp với các sở, ngành và chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật tại các cơ sở kinh doanh thuốc và thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Song song đó, tỉnh cũng đã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức đến người dân về đẩy mạnh hoạt động thông tin, truyền thông về nguy cơ, tác hại của việc sử dụng thuốc giả, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, không rõ nguồn gốc; thúc đẩy hoạt động mua bán thuốc theo đơn và sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.
Về công tác quản lý chất lượng thuốc, mỹ phẩm, Trung tâm Kiểm nghiệm Dược phẩm - Mỹ phẩm tỉnh Lâm Đồng trong năm 2024 đã tiến hành lấy 812 mẫu kiểm nghiệm, trong đó có 810 mẫu đạt chất lượng và 2 mẫu không đạt. Trong 4 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã lấy thêm 242 mẫu và không phát hiện mẫu nào không đạt chất lượng.
Về công tác thanh tra, xử lý vi phạm, trong 5 tháng đầu năm 2025, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 3 quyết định kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về hành nghề khám, chữa bệnh, hành nghề dược, mỹ phẩm, quản lý trang thiết bị y tế và cơ sở kinh doanh kính thuốc trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (3 đợt kiểm tra). Đoàn kiểm tra tiến hành 3 cuộc kiểm tra tại cơ sở hành nghề y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, qua kiểm tra 63 cơ sở (42 cơ sở hành nghề dược, 21 cơ sở hành nghề y) phát hiện 31 cơ sở vi phạm (20 cơ sở hành nghề dược, 11 cơ sở hành nghề y), xử phạt 31 cơ sở với tổng số tiền 181 triệu đồng. Hành vi vi phạm đối với cơ sở hành nghề dược là cơ sở để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc đối với trường hợp có kinh doanh thêm thực phẩm chức năng; cơ sở niêm yết không đầy đủ; người phụ trách chuyên môn vắng mặt, không thực hiện việc ủy quyền theo quy định pháp luật. Đối với cơ sở hành nghề y là không thực hiện chế độ báo cáo về các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật; niêm yết không đầy đủ giá dịch vụ khám, bệnh chữa bệnh.
Thực hiện Công điện số 41/CĐ-TTg ngày 17/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý vụ việc sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thực phẩm sức khỏe; các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế và các Thông báo danh mục thuốc giả, thuốc kém chất lượng và các quyết định thu hồi thuốc, thực phẩm chức năng kém chất lượng lưu thông trên thị trường, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã ban hành các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và các địa phương triển khai các hoạt động truyền thông, tuyên truyền, hướng dẫn người dân không sử dụng các sản phẩm thực phẩm giả, kém chất lượng. Sở Y tế tỉnh đã thành lập 2 đoàn kiểm tra (1 đoàn chuyên ngành, 1 đoàn liên ngành) để thực hiện kiểm tra việc chấp hành quy định trong hoạt động kinh doanh buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh. Đoàn kiểm tra tiến hành 4 cuộc kiểm tra hoạt động kinh doanh, buôn bán sản phẩm sữa, thực phẩm bảo vệ sức khỏe và thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh, kết quả kiểm tra 50 cơ sở (48 cơ sở hành nghề dược, 2 cơ sở hộ kinh doanh thực phẩm), phát hiện 20 cơ sở vi phạm về hành nghề dược; đã xử phạt tổng số tiền 100 triệu đồng. Đến thời điểm hiện tại, đoàn kiểm tra chưa phát hiện bất kỳ trường hợp thuốc giả theo danh sách Bộ Y tế công bố và chưa phát hiện việc cơ sở kinh doanh sữa giả.
Tỉnh Lâm Đồng đã kiến nghị Bộ Y tế sớm xây dựng và triển khai phần mềm quản lý liên thông dữ liệu hành nghề dược trên toàn quốc, tích hợp đầy đủ thông tin về bằng cấp chuyên môn, chứng chỉ hành nghề, phạm vi hoạt động… giúp các địa phương thuận tiện trong việc tra cứu, quản lý và giám sát. Đề nghị Bộ Y tế nhanh chóng hoàn tất việc bảo trì hệ thống phần mềm liên thông cơ sở dữ liệu Dược quốc gia và đưa vào sử dụng ổn định trở lại, nhằm phục vụ công tác quản lý, kết nối và khai thác dữ liệu hành nghề dược tại các địa phương. Tăng cường tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý dược tại tuyến tỉnh, huyện để nâng cao năng lực chuyên môn, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.