Tăng cường công tác quản lý khi đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường
Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường cần rà soát nhãn sản phẩm ghi tính năng, công dụng chống nắng, chỉ số SPF, bảo đảm phù hợp với quy định...

Ảnh minh họa.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường đề nghị tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm đối với sản phẩm chống nắng.
Việc này nhằm triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 55/CĐ-TTg về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả; Công điện số 65/CĐ-TTg về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Chỉ thị số 13/CT-TTg về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.
Đồng thời, thực hiện công văn của Bộ Y tế về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng hóa là mỹ phẩm.
Theo đó, để bảo đảm an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nội dung tại các văn bản nêu trên. Tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm đối với sản phẩm mỹ phẩm chống nắng.
Cụ thể, rà soát các phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có công bố tính năng, công dụng chống nắng đã được tiếp nhận, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý mỹ phẩm. Thu hồi các số tiếp nhận phiếu công bố không đáp ứng quy định.
Sở Y tế cũng cần chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra việc ghi nhãn, quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm chống nắng trên địa bàn. Chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu mỹ phẩm chống nắng để kiểm tra, xác định chỉ số SPF (Sun Protection Factor). Từ đó, kịp thời báo cáo về Cục Quản lý Dược các mẫu mỹ phẩm chống nắng vi phạm để thu hồi, tiêu hủy và xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường, Cục Quản lý Dược yêu cầu thực hiện đúng các quy định về quản lý mỹ phẩm.
Đồng thời, thực hiện rà soát hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File -PIF), phương pháp và kết quả xác định chỉ số SPF của sản phẩm, bảo đảm đầy đủ, chính xác, sẵn sàng cung cấp khi cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra chất lượng.
Cùng với đó, rà soát nội dung phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có ghi tính năng, công dụng chống nắng, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành. Rà soát nhãn sản phẩm ghi tính năng, công dụng chống nắng, chỉ số SPF, bảo đảm phù hợp với quy định ghi nhãn, nội dung chính xác, thống nhất với phiếu công bố và tuân thủ Hướng dẫn của ASEAN về ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm chống nắng.
Trước đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 tuýp 100g), do không đáp ứng quy định khi không ghi nhận chỉ số chống nắng như trên nhãn sản phẩm.
Sản phẩm do Công ty TNHH EBC Group - nay là Công ty Cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai sản xuất. Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH Thương mại dịch vụ VB Group.
Yêu cầu thu hồi được đưa ra sau khi Viện Kiểm nghiệm thuốc TP.HCM kiểm nghiệm mẫu sản phẩm kết quả chỉ số chống nắng trên nhãn ghi SPF 50, nhưng thực chất chỉ 2,4.
Ngoài ra, theo phiếu công bố sản phẩm, tính năng công dụng ghi “bảo vệ da chống nắng, dưỡng da và làm trắng da toàn thân”, không ghi thông tin có chỉ số chống nắng SPF 50 như trên nhãn sản phẩm lưu thông.