Tăng cường công tác quản lý về vật liệu nổ công nghiệp
Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp.
Hội nghị “Phổ biến văn bản quy phạm pháp luật về vật liệu nổ công nghiệp” do Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) – Bộ Công Thương tổ chức ngày 20/5 tại Đà Nẵng, với mục tiêu kịp thời phổ biến, hướng dẫn thực thi các quy định pháp luật để tăng cường công tác quản lý nhà nước tại các địa phương về vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và đề xuất, kiến nghị sửa đổi những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Tham dự hội nghị gồm có ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương; ông Nguyễn Anh Sơn - Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Công Thương và các lãnh đạo, cán bộ quản lý các phòng ban phụ trách công tác quản lý vật liệu nổ công nghiệp của Sở Công Thương các tỉnh, thành phố và đại diện các Ban, phòng chuyên môn của các đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Đông Bắc, Tổng công ty công nghiệp hóa chất mỏ - Vinacomin; Lãnh đạo các doanh nghiệp hoạt động vật liệu nổ công nghiệp tiêu biểu trong cả nước.
Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp - Bộ Công Thương cho biết, vật liệu nổ công nghiệp là loại vật tư hàng hóa đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế quốc dân, việc sử dụng nó đã trở nên phổ biến và không thể thiếu trong các ngành công nghiệp khai khoáng, xây dựng, thủy lợi và giao thông. Tốc độ tiêu thụ vật liệu nổ công nghiệp liên tục tăng, tổ chức sử dụng với đủ các loại hình kinh tế, đa dạng loại hình, quy mô và có mặt hầu hết trên các địa bàn toàn quốc. Cùng với sự phát triển, tăng trưởng vượt bậc của ngành vật liệu nổ công nghiệp trong thời gian vừa qua, tình hình thế giới và khu vực cũng có nhiều diễn biến phức tạp, các nước trong khu vực đang phải đối mặt ngày càng quyết liệt với nhiều thách thức như: An ninh truyền thống, phi truyền thống, an ninh mạng, an ninh kinh tế, tài chính. Trong nước, tình hình mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ có nhiều diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm sử dụng vũ khí quân dụng, mìn tự tạo có nguy cơ gây hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Năm 2017, Quốc hội khóa 14 đã thông qua Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (gọi tắt là Luật số 14/2017QH14) thay thế Pháp lệnh số 16/2011 về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm khắc phục những điểm hạn chế, chưa phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) được Bộ Công Thương giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công Thương và các bộ, ban ngành trung ương khác thực hiện xây dựng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn Luật. Với tinh thần làm việc khẩn trương, nghiêm túc và khoa học khi thực hiện soạn thảo, Cục ATMT chủ trì, phối hợp trình và đề nghị Bộ Công Thương trình Chính phủ ban hành nhiều nghị định về quản lý, xử phạt, quy định sử dụng vật liệu nổ công nghiệp.
“Tại Hội nghị hôm nay, sau khi nghe trình bày tóm lược những điểm mới quy định tại Luật số 14/2017QH14 và các Nghị định, Thông tư mới xây dựng trong thời gian vừa qua để các đồng chí nắm được và áp dụng thực hiện. Thay mặt ban tổ chức, đề nghị các đồng chí Lãnh đạo các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các đồng chí Lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty có hoạt động vật liệu nổ công nghiệp, tiền chất thuốc nổ cho ý kiến đóng góp về những vướng mắc trong thực tiễn quản lý và thực hiện của mình để các cơ quan của Bộ Công Thương (Cục ATMT, Vụ PC) tiếp thu, tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ, Bộ Công Thương có những thay đổi cho phù hợp”, ông Tô Xuân Bảo nhấn mạnh.
Chia sẻ hội nghị, ông Nguyễn Văn Trừ, Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho biết, Hội nghị là cơ hội giao lưu, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm với tất cả các lãnh đạo Sở Công Thương, người làm công tác vật liệu nổ công nghiệp, các doanh nghiệp sử dụng, cung ứng vật liệu nổ công nghiệp của các tỉnh, thành trên cả nước trong bối cảnh hoạt động khai khoáng, sản xuất, kinh doanh dần phục hồi và bắt đầu trở lại với trạng thái bình thường mới.
Đại diện các phòng thuộc Cục ATMT đã trình bày những nội dung cơ bản về các văn bản mới được ban hành trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp.
Trong khuôn khổ chương trình, đại diện các ban, ngành Sở Công Thương các tỉnh, thành, đại diện các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp đã thẳng thắn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quản lý và đề xuất, kiến nghị sửa đổi những quy định chưa phù hợp trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cùng với đó là rất nhiều ý kiến đóng góp của các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, kèm theo đó là giải đáp các vướng mắc và hướng dẫn triển khai thực hiện từ các nhà quản lý.
Phát biểu tổng kết hội nghị, ông Tô Xuân Bảo bày tỏ: các Sở đã có nhiều ý kiến, kiến nghị về khó khăn trong công tác quản lý, thực hiện quy định về vật liệu nổ công nghiệp. Rất mong thời gian tới trong quá trình triển khai thực hiện các quy định về vật liệu nổ công nghiệp tại các đơn vị, nếu có vướng mắc, khó khăn các đơn vị tiếp tục gửi về Cục ATMT. Cục sẽ triển khai các đơn vị tổng hợp, trên cơ sở đề xuất lên các đơn vị có thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình triển khai quy định.
Cũng theo Cục trưởng Cục ATMT - Bộ Công Thương, Cục ATMT phấn đấu đến hết năm 2023 sẽ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực vật liệu nổ công nghiệp. Hiện nay còn 14 sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp chưa có Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm vật liệu nổ công nghiệp, năm 2022 Cục ATMT đang xây dựng 9 dự thảo Quy chuẩn Việt Nam và năm 2023 Cục ATMT dự kiến xây dựng 5 Quy chuẩn Việt Nam.
Đức Thảo