Tăng cường đảm bảo an toàn lao động trong hoạt động sản xuất xi măng ở Yên Bái
Công tác đảm bảo an toàn lao động thời gian qua đã được các đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Yên Bái chú trọng. Tuy nhiên, vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra tại Công ty cổ phần xi măng và khoáng sản Yên Bái mới đây tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh báo, cho thấy, công tác đảm bảo an toàn lao động càng phải siết chặt hơn nữa.
Công ty cổ phần xi măng Yên Bình hiện có trên 300 lao động, sản xuất ra 750.000 tấn sản phẩm/năm.
Anh Lê Xuân Hòa làm công tác vận hành trung tâm và giám sát các thiết bị trong nhà máy cho biết, mỗi công nhân được tuyển dụng đều được đào tạo về quy trình an toàn lao động, đảm bảo cho việc vận hành thiết bị của nhà máy nói chung và cụm thiết bị được phân công vận hành nói riêng. Quá trình chạy máy và sửa chữa, các công nhân đều phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định đề ra.
"Quá trình thực hiện công ty kiểm soát rất là nghiêm ngặt, đặc biệt là quá trình chạy máy và sửa chữa có giám sát tại trung tâm, giám sát tại chỗ phải đảm bảo tất cả các tín hiệu an toàn mới tiến hành các bước", anh Lê Xuân Hòa nói.
Theo ông Lê Thành Long, Phó quản đốc xưởng sản xuất xi măng, phụ trách cụm lò nung của Công ty cổ phần xi măng Yên Bình: các công nhân khi mới vào công ty phải qua một khóa đào tạo về an toàn lao động và phải kiểm tra đạt các yêu cầu thì mới có thể tham gia quy trình sản xuất.
Hàng năm, các công nhân cũng được ưu tiên tham gia các khóa bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn do ngành chức năng như Lao động, Thương binh - Xã hội tỉnh; Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (Công an tỉnh) tổ chức. Riêng tại xưởng, hàng tháng, hàng quý, các công nhân cũng được quán triệt đều đặn về an toàn lao động.
"Thường ngày vận hành sẽ có cả cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và Trưởng ban An toàn lao động kiểm tra, rà soát và nhắc nhở thường xuyên. Đối với sửa chữa bao giờ cũng có cả kỹ thuật, quản lý và vận hành tại chỗ, phòng cơ điện để thống nhất phương án đảm bảo an toàn trước, trong và sau sửa chữa để đảm bảo tốt", ông Lê Thành Long nói.
Cùng với nâng cao kỹ năng, kiến thức về đảm bảo an toàn lao động, mỗi cán bộ, công nhân của công ty cũng đều được cấp phát đẩy đủ trang thiết bị bảo hộ lao động theo từng vị trí.
Ông Lò Mạnh Cường, Phó Giám đốc công ty cho biết, ngoài yếu tố con người, công ty đặc biệt chú trọng công tác giám sát, đảm bảo an toàn trong vận hành máy móc, thiết bị.
"Đối với nhà máy chúng tôi là sản xuất công nghiệp nặng, toàn bộ máy móc, thiết bị hoạt động theo dây truyền, thiết bị này liên quan đến thiết bị kia, khi đầy đủ tín hiệu an toàn thì máy móc mới khởi động được. Qua sự cố của đơn vị bạn, chúng tôi coi đó là một bài học, chúng tôi sẽ rà soát lại tốt hơn nữa quy trình, nội quy để đảm bảo an toàn tuyệt đối về con người và máy móc thiết bị", ông Lò Mạnh Cường cho biết.
Nhờ thực hiện đầy đủ và đảm bảo các quy định về an toàn, vệ sinh lao động và giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất nên gần 20 năm nay, Công ty Cổ phần xi măng Yên Bình đã hoạt động ổn định, an toàn. Ngoài đóng góp cho ngân sách địa phương, hàng năm, Công ty cũng đảm bảo được đời sống cho người lao động với mức lương bình quân 9 triệu đồng/người mỗi tháng.