Tăng cường đảm bảo ATGT tuyến Trường Sơn Đông
Ngay trước mùa mưa bão năm 2023, các nhà thầu quản lý bảo trì tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT tuyến đường Trường Sơn Đông qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Ngày 2/10, Phòng Thanh tra-An toàn (Khu QLĐB III, Cục Đường bộ Việt Nam) cùng các đơn vị quản lý đường bộ, đơn vị quản lý bảo trì kiểm tra hiện trường tuyến đường Trường Sơn Đông qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi.
Tuyến đường Trường Sơn Đông có tổng chiều dài 671km đi qua 7 tỉnh gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắk Lắk và Lâm Đồng. Đây là tuyến đường lịch sử, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Trong đó, tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa phận 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi dài gần 180km (Quảng Nam dài hơn 140km, Quảng Ngãi dài 37km). Tuyến đường được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường 5,5m với kết cấu mặt đường bê tông xi măng và bê tông nhựa.
Đi dọc tuyến đường, PV Tạp chí GTVT ghi nhận, tình trạng mặt đường tốt, đường thông suốt, hệ thống đảm bảo ATGT đầy đủ, hành lang 2 bên tuyến đường được phát quang sạch sẽ. Hệ thống rãnh dọc, cống ngang phát huy hiệu quả, tác dụng. Đáng nói, ngay trước mùa mưa bão năm 2023, một số đoạn tuyến được bổ sung thêm hộ lan mềm, cọc tiêu, vạch sơn tim đường. Trên tuyến, đơn vị quản lý bảo trì huy động nhân công, phương tiện, vật tư túc trực thực hiện công tác đảm bảo giao thông, xử lý các tình huống giao thông.
Theo quan sát của PV, tại vị trí sạt lở taluy dương Km72+250 qua địa phận tỉnh Quảng Nam) có khối lượng đất đá khá lớn, vùi lấp 1 phần lề, mặt đường. Đây là vị trí mái taluy cao, có độ dốc lớn. Điểm sạt lở kéo dài từ đỉnh taluy đến chân taluy, nguy cơ sạt lở đất đá mái taluy tiếp diễn, nhất là khi thời tiết có mưa lớn xảy ra.
Để đảm bảo giao thông, đơn vị quản lý đường bộ yêu cầu nhà thầu quản lý bảo trì tuyến khẩn trương có phương án, biện pháp hót dọn, thanh thải đất đá. Trong tình huống vị trí sạt lở mái taluy tiếp tục mở rộng, nghiêm trọng thì kịp thời báo cáo, đề xuất phương án xử lý, khắc phục triệt để.
Tại Km144+904 vị trí thi công công trình cầu Nước Bua bắc qua sông Nước Bua, xã Sơn Bua (huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi), PV ghi nhận hiện công trình đang trong quá trình hoàn thiện và chuẩn bị thi công bản bê tông tăng cường mặt cầu. Tuy nhiên, đường dẫn 2 đầu cầu vẫn đang thi công dang dở.
Theo đơn vị chủ đầu tư công trình cầu Nước Bua, hiện mặt bằng thi công đường dẫn 2 đầu cầu đang vướng. Chủ đầu tư và nhà thầu đang nỗ lực làm việc với UBND huyện Sơn Tây hoàn thành công tác GPMB, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công, hoàn thành công trình sớm nhất.
Để đảm bảo giao thông trong tình huống mưa lũ gây ngập công trình cầu cũ, đơn vị quản lý đường bộ đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công, sớm hoàn thiện bản mặt cầu, đường 2 đầu cầu, giúp người dân địa phương qua lại trong mùa mưa lũ, đảm bảo công tác cứu hộ cứu nạn khi có tình huống xảy ra.
Theo lãnh đạo Khu QLĐB III (Cục Đường bộ Việt Nam), tuyến đường Trường Sơn Đông đi qua địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi nằm trên địa hình đồi núi, dân cư thưa thớt nhưng có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác cứu hộ cứu nạn, an ninh-quốc phòng, vì vậy công tác đảm bảo giao thông trên tuyến luôn được chú trọng, đặc biệt quan tâm.
Thời gian qua, cứ vào mùa mưa lũ, tình trạng sạt lở, gây tắc đường lại diễn ra. Từ thực tế tình hình trên tuyến và kinh nghiệm quản lý, thực tế kiểm tra, Khu QLĐB III đã đề ra nhiều giải pháp đảm bảo ATGT, ngăn ngừa, hạn chế thiệt hại, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo đó, các đơn vị quản lý bảo trì tuyến luôn duy trì phương tiện, thiết bị, nhân lực túc trực trên tuyến, vừa thực hiện công tác duy tu, bảo trì, vừa sẵn sàng xử lý các tình huống, kịp thời điều chỉnh, bổ sung hệ thống cọc tiêu, hộ lan, biển báo, khắc phục hệ thống thoát nước, mặt đường hư hỏng trên tuyến Trường Sơn Đông, đảm bảo giao thông thông suốt, an toàn.