Tăng cường đảm bảo các công trình thủy điện mùa mưa bão
Mùa mưa bão 2024 đang đến gần, để chủ động trong vận hành, điều tiết hồ chứa và tính toán dự báo lũ, các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều phương án để bảo đảm an toàn hồ đập, an toàn cho người và tài sản vùng hạ du, đồng thời vận hành sản xuất điện hiệu quả, sẵn sàng, chủ động ứng phó các tình huống có thể xảy ra.
Trên địa bàn huyện Thường Xuân hiện có 4 nhà máy thủy điện đang vận hành, gồm: Nhà máy Thủy điện Cửa Đạt, Xuân Minh, Bái Thượng, Dốc Cáy. Hằng năm, các công trình thủy điện đóng góp hàng trăm triệu kW/h điện vào nguồn điện lưới quốc gia, cung cấp nước tưới và sinh hoạt cho vùng hạ du. Để hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, bảo đảm an toàn cung cấp điện, an toàn đập, hồ chứa, công trình thủy điện, ngay từ đầu năm 2024 chủ đầu tư các nhà máy thủy điện đã tiến hành rà soát, đánh giá, cập nhật, sửa đổi, bổ sung phương án phòng, chống lũ lụt, quy chế phối hợp với địa phương và các cơ quan liên quan, cơ chế phối hợp vận hành, điều tiết xả lũ các hồ chứa trên cùng lưu vực sát với thực tế; rà soát, kiểm tra các hạng mục công trình của nhà máy.
Cùng với đó tiến hành rà soát phương án thông tin, liên lạc, bảo đảm thông suốt trong mọi tình huống; tuân thủ thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa và liên hồ chứa bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình, đập, hồ chứa và vùng hạ du; xây dựng các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý; chuẩn bị thực hiện tốt theo phương châm “4 tại chỗ”; thực hiện nghiêm quy trình vận hành, xả lũ an toàn; tổ chức diễn tập phòng, chống lụt bão. Ban quản lý các nhà máy thủy điện cũng chủ động phối hợp với địa phương xây dựng các quy định về cách thông báo và ứng xử với từng trường hợp cụ thể, thiết lập hệ thống cảnh báo xả lũ tại công trình; phối hợp trạm khí tượng thủy văn tại hồ chứa nước Cửa Đạt, Ban Quản lý công trình hồ chứa nước Cửa Đạt thu thập đầy đủ thông tin.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 11 nhà máy thủy điện đang vận hành khai thác với tổng công suất 607,7 MW. Theo dự báo của Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, năm 2024 do biến đổi khí hậu tiếp tục tác động nên diễn biến thiên tai sẽ có nhiều phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm.
Để đảm bảo an toàn hệ thống nhà máy thủy điện trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm 2024, Sở Công Thương đã đề nghị các đơn vị quản lý, vận hành hồ đập, các nhà máy thủy điện thực hiện các giải pháp, như: Thực hiện nghiêm các nội dung về an toàn đập, hồ thủy điện theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 4/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; Thông tư số 09/2019/TT-BCT ngày 8/7/2019 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn đập, hồ chứa thủy điện và các công điện, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, UBND tỉnh Thanh Hóa; tuân thủ quy trình vận hành đập, hồ chứa thủy điện theo đúng quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Mã đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình trạng đập; các thiết bị, công trình xả lũ, cửa nhận nước... và khắc phục kịp thời các sự cố (nếu có) để đảm bảo an toàn công trình trước mùa mưa bão; tổ chức lực lượng, xây dựng phương án phối hợp với chính quyền địa phương các cấp khu vực dự án và vùng hạ du và các đơn vị liên quan trong công tác ứng phó, phòng chống thiên tai, báo cáo, thông tin kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, trang thiết bị, phương tiện, vật tư để khắc phục kịp thời sự cố, thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian nhanh nhất.
Đối với các chủ đầu tư nhà máy thủy điện kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; rà soát cập nhật bổ sung, phê duyệt các phương án ứng phó thiên tai, quy chế phối hợp với địa phương. Đồng thời, đảm bảo phương án thông tin, liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; tuân thủ thực hiện nghiêm quy trình vận hành hồ chứa bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, công trình, đập, hồ chứa và vùng hạ du. Xây dựng các tình huống có thể xảy ra và biện pháp xử lý; chuẩn bị các loại vật tư, vật liệu dự phòng, dụng cụ thi công theo phương châm “4 tại chỗ”. Thông tin cảnh báo kịp thời đến chính quyền, người dân khu vực chịu ảnh hưởng để đảm bảo an toàn cho vùng hạ du khi xả lũ, nhất là trong các tình huống xả lũ khẩn cấp...