Tăng cường đào tạo kỹ năng nghề cho thanh niên để tận dụng cơ hội 'dân số vàng'
Kỹ năng là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi người lao động luôn phải trau dồi để có định hướng kỹ năng nghề nghiệp phù hợp trong bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão. Trong đó, với lực lượng lao động chiếm đại đa số là người trẻ, Việt Nam cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề đào tạo kỹ năng cho lao động thanh niên, nhằm tận dụng cơ cấu 'dân số vàng' để bứt phá.
Thanh niên cần được quan tâm đào tạo kỹ năng nghề
Sáng 15/7, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) phối hợp Hiệp hội Thang máy Việt Nam tổ chức chương trình phát động Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới 2024 với chủ đề “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”.
Theo thống kê của Liên hợp quốc, lao động trong độ tuổi thanh niên (từ 15 đến 24 tuổi) chiếm khoảng 16% lao động toàn cầu. Sự tham gia tích cực của lực lượng lao động này giúp cho xã hội phát triển, bảo đảm tính bao trùm, ổn định và bền vững, giảm bớt những khó khăn, thách thức từ sự tác động của biến đổi khí hậu, thất nghiệp, đói nghèo, bất bình đẳng giới, xung đột, di cư,…
Chính vì vậy, tại phiên họp toàn thể vào ngày 18/12/2014, Liên hợp quốc đã quyết định lấy ngày 15/7 hằng năm là Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới (WYSD - World Youth Skills Day). Đây là được coi là sự kiện quan trọng đánh dấu sự quan tâm của toàn cầu đối với phát triển kỹ năng cho thanh niên.
WYSD tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của việc trang bị cho thanh niên các kỹ năng để có việc làm, công việc tử tế và tinh thần khởi nghiệp, hướng tới việc nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư vào các kỹ năng của thanh niên như một phương tiện thúc đẩy việc làm và phát triển bền vững bằng cách giảm rào cản tiếp cận với thế giới việc làm, bảo đảm các kỹ năng được công nhận, cấp chứng chỉ và cung cấp các cơ hội phát triển kỹ năng.
Năm 2024, chủ đề của WYSD là “Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển”, nhấn mạnh vai trò quan trọng của thanh niên trong nỗ lực xây dựng hòa bình và giải quyết xung đột.
Là một thành viên của Liên hợp quốc, Việt Nam cũng tham gia mạnh mẽ vào các hoạt động thực hiện mục tiêu của WYSD. Hưởng ứng chủ đề năm nay, chương trình phát động Kỹ năng thanh niên vì hòa bình và phát triển đã diễn ra vào sáng 15/7, cùng với tọa đàm do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp chủ trì và đại diện các hiệp hội, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động cùng tham gia trao đổi.
Phát biểu tại lễ phát động, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh, công tác thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề cho thanh niên là một trọng tâm cần tập trung thực hiện.
Trong đó, sẽ dựa trên 4 "nhà": Nhà doanh nghiệp với vai trò là "người đặt hàng"; Nhà nước với vai trò là nhà quản lý; Nhà trường là nguồn cung cấp nhân lực, với vai trò là động lực phát triển nguồn nhân lực; và Nhà báo mang vai trò lan tỏa, truyền thông thông điệp, ý nghĩa.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp khẳng định, sẽ không thể có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển nếu không có sự tham gia tích cực của doanh nghiệp.
“Tại sao năng suất lao động của Việt Nam chưa được đánh giá cao dù có một đội ngũ lao động thông minh, năng động, cần cù, chịu khó?”, bà Hương đặt câu hỏi, đồng thời nhấn mạnh việc cần tập trung cải thiện vấn đề kỹ năng lao động, đặc biệt là đội ngũ nòng cốt là thanh niên.
TS Lê Văn Chương, Phó Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng cho rằng, thanh niên cần được quan tâm về đào tạo kỹ năng nghề, nhất là khi lực lượng này đang chiếm đa số trong cơ cấu lực lượng lao động.
Theo ông Lê Văn Chương, hiện lực lượng lao động nước ta vào khoảng 52,4 triệu người, chiếm 52% dân số cả nước, đứng tốp 15 thế giới và tốp 3 trong ASEAN. Trong đó, lao động trẻ chiếm đại đa số, do đó lao động thanh niên cần được quan tâm về đào tạo kỹ năng nghề.
Đặc biệt khi nước ta đang trong giai đoạn “dân số vàng” - một giai đoạn quan trọng về nhân lực của Việt Nam, nếu không tận dụng được sẽ gặp khó khăn để bứt phá đi lên, TS Lê Văn Chương nhấn mạnh.
Cải thiện năng suất lao động quốc gia thông qua kỹ năng nghề
Trong khuôn khổ chương trình, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng chủ trì tọa đàm với sự tham dự của các đại diện các hiệp hội, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động cùng tham gia trao đổi về vấn đề cải thiện năng suất lao động và nâng cao kỹ năng nghề.
Tọa đàm cùng thảo luận những vấn đề thiết thực, những kinh nghiệm thực tiễn và trách nhiệm của các đơn vị liên quan về những hoạt động có thể làm để nâng cao ý nghĩa và tầm quan trọng của Ngày Kỹ năng thanh niên thế giới.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Hải Đức, Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam mượn một định luật của ngành bán dẫn, một ngành thay đổi công nghiệp của quốc gia và toàn cầu cho biết, ngành bán dẫn có một định luật nổi tiếng mang tên Định luật Moore: "Số lượng transistor trên mỗi đơn vị inch vuông sẽ tăng lên gấp đôi sau mỗi 24 tháng".
Nhưng đến nay, tốc độ tăng của transistor đã tăng lên vượt trội, chỉ cần 6 tháng để tăng gấp đôi như vậy. Đối chiếu sang việc nâng cao kỹ năng nghề, có thể thấy việc gia tăng năng suất lao động để đạt được tốc độ vượt trội chỉ có thể dựa trên kỹ năng nghề, ông Nguyễn Hải Đức nhấn mạnh.
Ông Phạm Văn Sơn, chuyên viên cao cấp Vụ Khoa giáo-Văn xã, Văn phòng Chính phủ cho rằng, nguồn nhân lực chất lượng cao không chỉ là trình độ học vấn bậc đại học, mà còn cả lực lượng trực tiếp lao động, sản xuất.
“Mỗi người lao động là một hạt nhân của sự phát triển, một người lao động tăng kỹ năng nghề, tăng thu nhập, mang tiền về nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, và mỗi gia đình phát triển là xã hội phát triển”, ông Phạm Văn Sơn nói.
Cũng đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Anh Thơ, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, năng lực của lao động chất lượng cao không có nghĩa là lao động có học vấn cao, trình độ cao, hay chỉ đơn thuần lấy số lượng giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư để đánh giá về chất lượng lao động.
Nhắc đến số liệu nhiều người tử vong trên toàn thế giới hằng năm liên quan tai nạn lao động, ông Nguyễn Anh Thơ cho biết, con số này còn kinh khủng hơn cả số người chết do các cuộc xung đột trên thế giới hiện tại.
“Như vậy để thấy được ý nghĩa của từ "hòa bình", để hiểu kỹ năng nghề phải dựa trên kỹ năng an toàn. Nghĩa là không phải làm nhanh, mà là làm đúng, làm an toàn, đó mới là kỹ năng quan trọng nhất”, ông Thơ nói.
Do đó, đối với thanh niên, ngoài hai yếu tố quan trọng là sức khỏe và tri thức thông qua học hành, bồi dưỡng thì còn yếu tố quan trọng nhất là tâm đức trong sáng, cần coi trọng tầm quan trọng của việc bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, cái tâm làm nghề, Viện trưởng Viện Khoa học an toàn và Vệ sinh lao động nhấn mạnh.
Với vai trò là Đại sứ kỹ năng nghề Việt Nam và cũng là đại diện thanh niên trong lực lượng lao động trẻ, ông Hoàng Đức Long, Phó Trưởng Khoa Điện tử, Trường cao đẳng Nghề công nghệ cao Hà Nội cho biết, kỹ năng nghề là một vấn đề quan trọng, đòi hỏi người lao động luôn phải trau dồi để có định hướng kỹ năng phù hợp.
Do đó, cần thiết phải lan tỏa tầm quan trọng của kỹ năng nghề nghiệp, từ đó giúp người lao động, đặc biệt là thanh niên trẻ có cơ sở phấn đấu để có nghề nghiệp tốt hơn.
Ông Mạc Văn Tiến, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội (Vavet&Sow) cho rằng, kỹ năng được hình thành trong quá trình người lao động được đào tạo và cả trau dồi trong quá trình lao động, sản xuất trực tiếp.
Vì vậy, cần có sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để vào cuộc cùng đào tạo cho người lao động, từ đó phù hợp với sự thay đổi của doanh nghiệp và sự phát triển như vũ bão của công nghệ, ông Tiến nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, cùng với tinh thần thúc đẩy phát triển kỹ năng nghề, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã phát động Ngày Thang máy Việt Nam nhằm tôn vinh các giá trị, con người, nét đẹp người làm nghề thang máy.
Theo đó, Hiệp hội Thang máy Việt Nam đã chọn ngày 16/7 hằng năm là ngày kỷ niệm chính thức của ngành thang máy.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Thang máy Việt Nam Nguyễn Hải Đức, Ngày Thang máy Việt Nam sẽ là dịp để lan tỏa thông điệp về ý nghĩa, vai trò, giá trị của nghề kỹ thuật thang máy, sức ảnh hưởng và khả năng đóng góp cho xã hội.
Song song với đó, đây cũng là dịp để những người trong nghề nhận thức về tầm quan trọng của đạo đức và kỹ năng nghề phụng sự xã hội. Từ đó, xây dựng sự tự hào và niềm đam mê nghề thang máy cho thanh niên, sinh viên, người lao động.