Tăng cường đặt hàng trong nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phục vụ công tác tham mưu
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Thường trực Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã tổ chức Tọa đàm 'Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học lý luận chính trị phục vụ công tác tham mưu của các cơ quan Đảng Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy trong tình hình mới'.
Giáo sư, Tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đã chủ trì và kết luận tọa đàm.
Các chuyên gia và nhà khoa học tham gia tọa đàm đến từ Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương và nhiều ban, cơ quan Đảng Trung ương, cơ sở và địa phương. Trên 30 ý kiến và tham luận trực tiếp tại tọa đàm đã tập trung làm rõ khái niệm, nội hàm, tầm quan trọng, tính đặc thù, các thành công và hạn chế trong hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị ở nước ta hiện nay.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh rằng: Quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là coi khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, thể hiện tập trung và cụ thể trong Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01-11-2012 về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Văn kiện Đại hội XII và văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: Khoa học và công nghệ là động lực then chốt; chú trọng phát triển đồng bộ khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, khoa học xã hội và nhân văn, khoa học chính trị. Các đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII cũng thể hiện rõ: Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và khoa học...
Bởi vậy, các ý kiến cho rằng cần phải nhận thức đúng, đủ, rõ về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của nghiên cứu khoa học phục vụ công tác tham mưu cấp chiến lược của Đảng, tăng cường đặt hàng nghiên cứu khoa học chính trị; đổi mới mô hình tổ chức Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương theo hướng là cơ quan trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của đồng chí Thường trực Ban Bí thư;
Đồng thời, đây là cơ quan định hướng, quản lý, điều phối các hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, góp phần giúp các ban, cơ quan Đảng Trung ương làm tốt công tác tham mưu cho Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; góp phần đào tạo, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ làm công tác tham mưu trong các cơ quan Đảng Trung ương.
Các đại biểu cũng cho rằng cần tăng cường sự phối hợp giữa Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương với các các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu và các hội đồng khoa học cơ sở, cũng như với các thiết chế nghiên cứu khoa học lý luận chính trị, với các tổ chức nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn nhằm đa dạng hóa các đề tài và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học lý luận chính trị trong thời gian tới.