Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu

Văn phòng Bộ Công an vừa có văn bản gửi một số Cục nghiệp vụ và Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.

Theo đó, thực hiện Văn bản số 2310 ngày 14/4/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, Văn phòng Bộ Công an (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/BCA) đề nghị Công an các đơn vị, địa phương chỉ đạo thực hiện có hiệu quả công tác này, gắn với chương trình công tác năm của từng hệ lực lượng, địa phương, tập trung vào các nội dung sau:

1. Tiếp tục chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công an, UBND, Ban Chỉ đạo 389 địa phương về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, trọng tâm là: Công điện số 160 ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước; Công văn số 03 ngày 8/2/2021 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường quản lý chất lượng mặt hàng xăng dầu; Kế hoạch số 410 ngày 14/6/2017 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu.

Công an Nghệ An phát hiện vụ vận chuyển 1 triệu lít xăng không rõ nguồn gốc.

Công an Nghệ An phát hiện vụ vận chuyển 1 triệu lít xăng không rõ nguồn gốc.

2. Triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình, phát hiện các thủ đoạn mới trong hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, lưu kho, phân phối, lưu thông mặt hàng xăng dầu (các mặt hàng dễ bị lợi dụng nhằm trục lợi); tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa và trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Tổ chức đánh trúng, đánh đúng các đường dây buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng... có tính lan tỏa, tạo chuyển biến mạnh mẽ thời gian tới.

3. Thực hiện nghiêm công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; đẩy nhanh tiến độ điều tra, kết luận các vụ án về buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng. Phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân các cấp đưa ra truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh nhằm răn đe, giáo dục, cảnh báo các đối tượng có mục đích, ý đồ phạm tội và nâng cao ý thức cảnh giác, tự phòng ngừa của Nhân dân.

Công an Đồng Nai lấy mẫu xăng đi kiểm nghiệm trong "đại án" xăng giả quy mô lớn.

Công an Đồng Nai lấy mẫu xăng đi kiểm nghiệm trong "đại án" xăng giả quy mô lớn.

4. Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng (Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng, Hải quan...), nhất là các đơn vị có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận đo lường, không bảo đảm chất lượng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi.

5. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý chất lượng nhằm rà soát khó khăn, vướng mắc, tồn tại, bất cập, kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật, nhất là các quy định về công tác quản lý, chế tài xử lý đối với hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh xăng dầu trái phép.

6. Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động Nhân dân không tham gia, tiếp tay cho các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, tích cực phát hiện, tố giác tội phạm.

7. Xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong kinh doanh xăng dầu. Khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đối với mặt hàng xăng dầu.

8. Định kỳ tổng hợp tình hình, kết quả thực hiện về Ban Chỉ đạo 138/BCA (qua Văn phòng Bộ) để báo cáo lãnh đạo Bộ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia.

A.Quỳnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tang-cuong-dau-tranh-chong-buon-lau-gian-lan-thuong-mai-xang-dau-i652019/