Tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng - nhiệm vụ đặc biệt quan trọng

(Tiếp theo kỳ trước)

*NGUYỄN HỒNG TRÀ,, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy

Trong những năm qua, cùng với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm” để làm trong sạch đội ngũ cán bộ cũng được Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh chỉ đạo chặt chẽ, thận trọng và quyết liệt, với tinh thần không có “vùng cấm,” không có ngoại lệ, không có đặc quyền. Nhiều vụ việc tiêu cực, vụ án tham nhũng, phức tạp kéo dài, làm thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, gây bức xúc trong xã hội liên quan đến cán bộ lãnh đạo các cấp, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo đã được chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử công khai với những bản án nghiêm khắc, có tác dụng cảnh báo, cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ để phòng ngừa sai phạm. Kết quả của công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng đã góp phần quan trọng làm cho các tổ chức đảng trong toàn hệ thống chính trị của tỉnh đoàn kết, thống nhất hơn, trong sạch, vững mạnh hơn; niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước được củng cố, tăng cường hơn; thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tăng cường tiềm lực quốc phòng - an ninh; nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh trong khu vực và trên cả nước, tạo nền tảng và cơ sở vững chắc để kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh phát triển nhanh và bền vững.

Hiện nay, đứng trước những thách thức lớn chung của cả nước là “một bộ phận không nhỏ cán bộ, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, lãnh đạo cấp chiến lược có biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống…”, cụ thể là một bộ phận đảng viên, nhất là đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa thực hiện tốt vai trò tiền phong, gương mẫu trong hành động và trước quần chúng nhân dân, trước cán bộ, công chức dưới quyền; cán bộ, đảng viên có chức, có quyền chưa làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao. Bên cạnh những cán bộ, đảng viên phát huy tốt vai trò tiền phong gương mẫu của mình thì còn có một bộ phận giảm sút ý chí chiến đấu, quên đi trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước nhân dân; thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định; việc thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số nơi chưa đến nơi đến chốn, kỷ cương, kỷ luật chưa nghiêm.

Để đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, góp phần thiết thực xây dựng và chỉnh đốn Đảng, làm cho Đảng trong sạch, vững mạnh, trong thời gian tới, cấp ủy, tổ chức đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nâng cao nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành chức năng, của đội ngũ cán bộ, đảng viên và mỗi người dân về quyết tâm của Đảng, Nhà nước đối với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng; đưa nội dung đấu tranh phòng, chống tham nhũng vào sinh hoạt định kỳ của các tổ chức đảng và hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị. Trong đó, các tổ chức đảng tăng cường chỉ đạo quyết liệt công tác giáo dục, phòng ngừa tham ô, tham nhũng; các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đồng thời, nâng cao và phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên nói chung, đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị nói riêng trong thực thi trọng trách được giao gắn với đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp và kịp thời cung cấp, công khai thông tin, định hướng tuyên truyền về phòng, chống tham nhũng, một mặt để tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, mặt khác thông qua đó để đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch lợi dụng phòng, chống tham nhũng để chống phá Đảng, Nhà nước. Chủ động thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý cán bộ, đảng viên vi phạm, bất kể là ai, giữ chức vụ gì; về khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; về những vấn đề nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng và gương người tốt, việc tốt; bảo vệ, khen thưởng, động viên những người dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Thông qua tuyên truyền về kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và đưa ra khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên vi phạm, góp phần làm trong sạch bộ máy, tạo động lực, khí thế, sự thống nhất cao về ý chí và hành động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.

Tiếp tục gắn việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4, khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Quy định số 37-QĐ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII) về “Những điều đảng viên không được làm”; Quy định số 08-QĐi/TW ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương…

Phải công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức,... nhà nước nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong thực hiện chức trách, công vụ theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền mà pháp luật quy định. Việc công khai, minh bạch không chỉ góp phần để những người “có chức quyền” hiểu rằng mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để vụ lợi, trục lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý mà còn để người dân nhận biết được các quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó chủ động thực hiện theo các quy định của pháp luật và đòi hỏi các cơ quan nhà nước, các cán bộ, công chức nhà nước thực hiện các quy định đó. Theo đó, cần công khai, minh bạch về kinh tế, tài chính, cơ chế, chính sách, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, huy động đóng góp của nhân dân, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ, tài sản, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định... Đây là “những chìa khóa then chốt” để bảo đảm đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiệu quả, thành công.

Tham khảo kinh nghiệm phòng, chống tham nhũng của một số địa phương trong và ngoài tỉnh để có thể học tập, trao đổi kinh nghiệm và vận dụng trong quá trình xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực, hoàn thiện thể chế, phân cấp, quy định rõ chức năng cho các ngành, cấp trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Bổ sung một số hành vi tham nhũng thuộc tội phạm tham nhũng; ban hành các quy định về bảo vệ, khen thưởng người có thành tích trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ phòng, chống tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng. Cùng với đó là cải cách chính sách nhà ở, tiền lương, thu nhập, bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, công chức, viên chức để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

(còn nữa)

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/89/135367/tang-cuong-dau-tranh-phong-chong-tham-nhung-nhiem-vu-dac-biet-quan-trong