Tăng cường đấu tranh phòng, chống vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai
Đánh giá tình hình sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Trung ương nhận định, chính sách, pháp luật về đất đai đã có nhiều đổi mới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu thực tiễn, từng bước tạo hành lang pháp lý cho việc quản lý và sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả hơn... Tuy nhiên, Trung ương cũng chỉ ra những hạn chế trong công tác quản lý và sử dụng đất.
Trong đó, một số nội dung của Nghị quyết chưa được thể chế hóa hoặc thể chế hóa chậm, chưa đầy đủ. Luật Đất đai và một số văn bản pháp luật có liên quan còn chồng chéo, chưa thống nhất, đồng bộ. Trong một số trường hợp, chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn, ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý, tạo kẽ hở để không ít cá nhân, tổ chức lợi dụng tham nhũng, trục lợi, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước.
Luật Đất đai quy định rõ, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người sử dụng đất trên nguyên tắc: Đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất; tiết kiệm, có hiệu quả, bảo vệ môi trường và không làm tổn hại đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất chung quanh. Người sử dụng đất thực hiện quyền, nghĩa vụ trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
Nhà nước có chính sách khuyến khích người sử dụng đất đầu tư lao động, vật tư, tiền vốn và áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ nhằm bảo vệ, cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất; khai hoang, phục hóa, lấn biển, đưa diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước hoang hóa vào sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị của đất... Luật cũng quy định rõ người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất; đối với đất được giao để quản lý, đồng thời xác định rõ những hành vi bị nghiêm cấm.
Tuy nhiên, qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã chỉ ra một thực tế, đất đai luôn là lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực. Rất nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế lớn đã được phát hiện, thanh tra, xử lý về pháp luật, có liên quan lĩnh vực đất đai, gây hậu quả nghiêm trọng, thiệt hại lớn tài sản nhà nước.
Luật Đất đai quy định rõ người chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất; đối với đất được giao để quản lý, đồng thời xác định rõ những hành vi bị nghiêm cấm.
Mới đây, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội ra phán quyết đối với 28 bị cáo trong vụ án vi phạm quy định về quản lý và sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí xảy ra tại Bình Dương. Theo đó, sai phạm trong quản lý 145ha đất và 43ha "đất vàng" tại trung tâm tỉnh Bình Dương, gây thiệt hại tài sản nhà nước khoảng 6.590 tỷ đồng.
Trong đó, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm cùng bị tuyên phạt 7 năm tù về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Trước đó, tại kỳ họp thứ tư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng công ty Sản xuất và Xuất, nhập khẩu Bình Dương (Tổng công ty 3/2), gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước, nhiều cán bộ, đảng viên bị xử lý hình sự, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của cấp ủy, chính quyền địa phương.
Liên quan vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và xây dựng Tân Thuận, Viện Kiểm sát nhân dân TP Hồ Chí Minh đã ban hành cáo trạng truy tố 10 bị can. Theo cáo trạng, bị can Tất Thành Cang và các đồng phạm đã cố ý thực hiện những hành vi vi phạm các quy định của pháp luật khi làm các thủ tục chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án khu dân cư Phước Kiển và dự án khu dân cư Ven Sông là tài sản nhà nước do Công ty Tân Thuận quản lý sang Công ty Quốc Cường Gia Lai mà không thẩm định giá và không đưa ra đấu giá, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 735 tỷ đồng...
Trong một số vụ án tương tự liên quan những sai phạm về quản lý đất đai tại các địa phương như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Đồng Nai, Bình Thuận..., nhiều tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên đã bị thi hành kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý hình sự, thu hồi hiệu quả tài sản của Nhà nước.
Qua thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai cho thấy, những hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai ngày càng có biểu hiện tinh vi, tính chất phức tạp, mức độ ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại tài sản nhà nước rất lớn. Để tăng cường kiểm soát quyền lực gắn với xử lý nghiêm minh những vi phạm liên quan đến đất đai, góp phần vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới thì cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Thứ nhất, cần thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực về đất đai. Từng cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ về kiểm soát quyền lực gắn với xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực về đất đai.
Thứ hai, cần tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy trong giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Cấp ủy các cấp cần thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng cấp dưới và đảng viên thuộc phạm vi phụ trách. Các chi bộ, tổ chức cơ sở đảng chú trọng việc thường xuyên, kịp thời phát hiện những dấu hiệu có thể làm nảy sinh hành vi vi phạm để nhắc nhở, uốn nắn, kiểm tra hoặc báo cáo tổ chức có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, kết luận và xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực gắn với đất đai.
Qua thực tế công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đất đai cho thấy, những hành vi vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai ngày càng có biểu hiện tinh vi, tính chất phức tạp, mức độ ảnh hưởng tiêu cực và thiệt hại tài sản nhà nước rất lớn.
Thứ ba, cần hoàn thiện các quy định của Đảng và ban hành, bổ sung, hoàn chỉnh chính sách, pháp luật, tạo khuôn khổ pháp lý cho công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng gắn với xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai; hoàn thiện các chế định về các giao dịch của quyền sử dụng đất, thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản minh bạch, lành mạnh.
Cùng với đó, thiết lập hệ thống quản lý đất đai hiện đại, minh bạch, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai; phát huy dân chủ, tăng cường giám sát, khắc phục tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện về đất đai, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí; giải quyết tốt những bất cập, vướng mắc trong quản lý và sử dụng đất, cập nhật yêu cầu mới của thực tiễn.
Thứ tư, các cấp ủy cần công khai kết quả xử lý những cán bộ, đảng viên có vi phạm gắn với xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực về đất đai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Thực tế cho thấy, việc thông tin về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng, nhất là thông tin liên quan đến kiểm soát quyền lực, xử lý kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm tới các tổ chức đảng, đảng viên và nhân dân thời gian qua đã góp phần định hướng tư tưởng, tạo niềm tin vững chắc cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, là bài học sâu sắc nhất, là tiếng chuông cảnh tỉnh, ngăn ngừa vi phạm.
Công khai thông tin nhằm khuyến khích người dân tham gia vào hoạt động quản lý, phản biện, giám sát, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý và sử dụng đất đai; đồng thời cần quy định cụ thể về trách nhiệm giải trình của các cơ quan Đảng, Nhà nước có liên quan trước các ý kiến giám sát của nhân dân.
Mới đây, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm, trong đó dành trọn Điều 42 để nói về vi phạm quy định quản lý, sử dụng đất đai, nhà ở. Điều 42 nêu rõ mức độ thi hành kỷ luật đảng đối với từng hành vi vi phạm, trong đó trường hợp vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 nếu gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc vi phạm một trong các trường hợp sau thì kỷ luật bằng hình thức khai trừ: Chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, hủy hoại đất; Giả mạo, gian lận giấy tờ, làm sai lệch hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở; Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất trái quy định của pháp luật; Vì lợi ích cục bộ mà ban hành văn bản hoặc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật.
Nội dung nêu trên khẳng định quyết tâm chính trị rất cao của Đảng nhằm tăng cường kiểm soát quyền lực, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực nhạy cảm này.
Nhằm "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" như đã nêu trong Nghị quyết số 18-NQ/TW, khóa XIII, Bộ Chính trị yêu cầu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trong đó, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp chặt chẽ trong tổng kết việc thi hành Luật Đất đai năm 2013; sửa đổi Luật Đất đai năm 2013; đồng thời rà soát, hoàn thiện các luật có liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, tạo cơ sở pháp lý cho công tác triển khai thực hiện Nghị quyết và giám sát việc thực hiện trong phạm vi cả nước.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội, đẩy mạnh vận động các tầng lớp nhân dân tích cực chấp hành và tham gia giám sát việc thực hiện Nghị quyết, chính sách, pháp luật về đất đai.
Nghị quyết của Đảng sớm đi vào cuộc sống sẽ góp phần giải quyết những câu hỏi lớn mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu ra tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII: Vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?; đồng thời thúc đẩy hiệu quả quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.