Tăng cường đầu tư cho văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Văn hóa có vai trò đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp phát triển bền vững đất nước, là nền tảng tinh thần của xã hội, động lực nội sinh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và con người. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc đi đôi với tiếp thu tinh hoa nhân loại chính là nhiệm vụ chiến lược, mang ý nghĩa sống còn đối với dân tộc Việt Nam.

Dự thảo Báo cáo chính trị đã cho thấy sự quan tâm sâu sắc, toàn diện của Đảng đối với lĩnh vực văn hóa. Đồng thời thể hiện nâng cao chất lượng văn hóa là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, cần sự chung tay của toàn xã hội nhằm xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chương trình nâng cao chất lượng văn hóa có 8/14 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt kế hoạch như: công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; các phong trào, hoạt động xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh... Những kết quả đạt được sẽ trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng nền văn hóa và con người Thanh Hóa phát triển toàn diện, hướng đến chân, thiện, mỹ.
Để tạo nền tảng xây dựng Thanh Hóa trở thành một trong những trung tâm văn hóa lớn của khu vực và cả nước, cần xác định rõ văn hóa là một trụ cột trong chiến lược phát triển quốc gia.
Trước hết, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách văn hóa, khuyến khích sáng tạo và bảo vệ quyền lợi của người làm văn hóa. Cần xác định đầu tư ngân sách cho văn hóa là đầu tư phát triển lâu dài. Trong đó, chú trọng đầu tư hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cho cấp tỉnh và cấp xã đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Sắp xếp bộ máy, cán bộ văn hóa cơ sở theo hướng tinh gọn, phù hợp với thực tế để đáp ứng công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị và phát triển văn hóa truyền thống, văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao cấp cơ sở. Đồng thời, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực văn hóa, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên môn sâu phải gắn với yêu cầu đổi mới tư duy và năng lực thực tiễn. Có chế độ đãi ngộ xứng đáng với các nghệ nhân.
Ngoài ra, cần thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, để bảo tồn và lan tỏa giá trị văn hóa Việt Nam một cách hiệu quả trong kỷ nguyên số.