Tăng cường đầu tư kết cấu hạ tầng nghề cá
Trong những năm qua, ngoài phát triển đội tàu công suất lớn khai thác xa bờ, việc đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển nghề cá được tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá phát triển.
Cảng cá Hòa Lộc (Hậu Lộc) được đầu tư xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu cập bến của tàu cá công suất lớn.
Trước đây, do luồng lạch nhỏ, thường xuyên bị bồi lắng, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình ra vào của các tàu cá công suất lớn. Nhiều tàu cá của ngư dân các xã Hải Thanh, Hải Bình và các xã ven biển huyện Tĩnh Gia mỗi khi khai thác hải sản về, phải neo đậu cách cảng 2 đến 3 km, sau đó thuê thuyền nhỏ ra vận chuyển hải sản vào bờ, ảnh hưởng lớn đến việc khai thác và hoạt động dịch vụ hậu cần nghề cá của ngư dân. Để khắc phục tình trạng trên, UBND tỉnh đã đầu tư Dự án “Xử lý khẩn cấp nạo vét cửa ra vào cảng và khu neo đậu tránh trú bão tàu thuyền nghề cá Lạch Bạng, huyện Tĩnh Gia” với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh. Đến nay, dự án đã được đơn vị thi công hoàn thành, tạo điều kiện cho tàu thuyền nghề cá ra vào cảng thuận lợi, đáp ứng nhu cầu bốc xếp hải sản khai thác và các dịch vụ hậu cần nghề cá. Cũng từ nguồn vốn lồng ghép các chương trình, dự án, trên địa bàn tỉnh đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng hình thành các trung tâm nghề cá ở các cảng cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn), Lạch Bạng (Tĩnh Gia) và Hòa Lộc (Hậu Lộc). Từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã bố trí hơn 88,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước đầu tư xây dựng các dự án, như: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền cửa sông Lý (Quảng Xương); nạo vét khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền nghề cá Lạch Hới (TP Sầm Sơn); thanh thải dải đá ngầm tại luồng ra vào Cảng cá Lạch Bạng (Tĩnh Gia); đầu tư xây dựng bến cá Hoằng Phụ (Hoằng Hóa)... Ngoài ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bố trí nguồn vốn để đầu tư nâng cấp Cảng cá Lạch Hới và khu neo đậu tránh trú bão Lạch Hới thành cảng cá loại I. Đồng thời, tiếp tục nâng cấp hoàn thiện các cảng cá cùng các bến cá Hải Châu (Tĩnh Gia), Nga Bạch (Nga Sơn), Ngư Lộc (Hậu Lộc)...; xây dựng các chợ chuyên kinh doanh thủy sản ở các huyện Nga Sơn, Hoằng Hóa, Quảng Xương. Tại các địa phương phát triển nghề cá đang từng bước hình thành các khu vực đóng, sửa chữa tàu cá công suất 90CV trở lên và khu vực cung ứng xăng dầu, vật tư nghề cá.
Tuy nhiên, thực tế phát triển cơ sở hạ tầng nghề cá trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều cảng cá quá tải, ô nhiễm môi trường, luồng lạch bị bồi lắng gây khó khăn cho tàu cá, nhất là tàu cá công suất lớn ra vào cảng... Ngoài ra, việc tổ chức bộ máy quản lý, vận hành, điều động, phối hợp trong quản lý các khu neo đậu, cảng cá cũng còn hạn chế, công tác duy tu, bảo dưỡng không kịp thời dẫn đến công trình xuống cấp. Chính vì vậy, các sở, ngành có liên quan của tỉnh cần rà soát, tập trung bố trí vốn đầu tư hoàn thành các cảng cá đáp ứng nhu cầu phát triển tàu cá công suất lớn của ngư dân và bố trí kinh phí duy tu, bảo dưỡng công trình, cảng cá, khu neo đậu tránh, trú bão. Đẩy mạnh thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và khai thác công trình cảng cá. Mặt khác, ban quản lý các cảng cá trong quá trình kiểm tra tàu cá cập, rời cảng, giám sát sản lượng, kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn cho các chủ tàu cá thực hiện quy định tại Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhất là các quy định chống khai thác bất hợp pháp của Ủy ban Châu Âu.
Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá đã góp phần giảm tổn thất sau khai thác và nâng cao hiệu quả trong khai thác hải sản. Các khu neo đậu tránh, trú bão kết hợp dịch vụ hậu cần đã phát huy hiệu quả, bảo đảm phát triển kinh tế gắn với an sinh xã hội; giảm thiệt hại về người, phương tiện nghề cá do bão gây ra.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/tang-cuong-dau-tu-ket-cau-ha-tang-nghe-ca/113302.htm