Tăng cường dạy học tích hợp liên môn trong nhà trường
Theo quan điểm giáo dục, dạy học tích hợp là đưa các nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn và dạy học liên môn chính là việc xác định các nội dung, kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau.
Tại Trường THPT chuyên Biên Hòa, việc dạy học tích hợp liên môn được triển khai thông qua phương pháp dạy học Stem. Đây là một phương pháp dạy và học trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng ở lĩnh vực khoa học, công nghệ, toán...
Cô giáo Nguyễn Thị Vũ Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh Tân (Thanh Liêm) cho biết: Hàng năm, bên cạnh khung nghiệp vụ chung, trong kế hoạch công tác chuyên môn, nhà trường có sự phân bố theo hướng ưu tiên tới nội dung và các chủ đề tích hợp liên môn (THLM) dựa theo các nội dung chuyên môn mà giáo viên đã đăng ký. Để tạo tính hiệu quả cho việc dạy THLM, nhà trường lựa chọn các môn có khả năng tích hợp tốt nhất để triển khai áp dụng trước, thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn theo chủ đề, dạy thử các nội dung dạy THLM của từng bộ môn; lãnh đạo nhà trường thực hiện nghiêm quy định trực tiếp dạy tối thiểu 2 tiết học đổi mới/năm học cho giáo viên dự giờ và rút kinh nghiệm. Đồng thời, tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận dần với việc dạy THLM, giúp giáo viên không quá bị áp lực và từng bước khắc phục tâm lý ngại đổi mới trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục…
Được biết, cùng với sự chỉ đạo sát sao về chuyên môn, nhà trường còn làm tốt công tác tuyên truyền trong cán bộ, giáo viên, học sinh nên đến nay việc dạy THLM ở Trường THCS Thanh Tân đã khá nền nếp, nhiều giáo viên có các chủ đề dạy học tích cực theo hướng dạy học THLM.
Trên thực tế, hầu hết giáo viên các cấp học đều nhận thức rõ được trách nhiệm của mình trong triển khai thực hiện các phương pháp giáo dục mới, các định hướng giáo dục hiện đại. Và, THLM luôn được đội ngũ giáo viên coi là một phương pháp dạy học nhằm hình thành năng lực toàn diện cho học sinh trên các lĩnh vực.
Theo chia sẻ của thầy giáo Trương Văn Tuyến, giáo viên Trường THCS Đạo Lý (Lý Nhân), thực hiện dạy học THLM sẽ mang tới cho học sinh nhiều kiến thức bao quát về nhiều lĩnh vực trong cùng một bài giảng, tăng cường hoạt động thực hành và vận dụng kiến thức để tạo ra sản phẩm hoặc giải quyết các vấn đề của thực tiễn. Dạy học THLM đòi hỏi giáo viên phải tự trang bị cho mình khả năng tích hợp, lồng ghép các kiến thức có liên quan một cách có hệ thống, logic để học sinh nắm bắt tốt các nội dung bài giảng, tạo sự hứng thú học tập và rèn luyện tính sáng tạo, khả năng tư duy mạch lạc hơn cho các em.
Bên cạnh đó, với học sinh THPT, khi được học nhiều dạng kiến thức trong một thể tích hợp, không chỉ giúp các em có thái độ thích thú với quá trình học tập mà còn tạo ra khá nhiều tác dụng tích cực tới việc lựa chọn nghề nghiệp trong tương lai. Thông qua cách dạy học này, giáo viên buộc phải tư duy và không ngừng trau dồi kiến thức ở nhiều lĩnh vực, môn học khác để có phông kiến thức đủ để giảng dạy và gợi mở cho học sinh nhiều cách học, thực hành hiệu quả. Ví dụ, chỉ với kiến thức học về sóng âm ở môn Vật lý, khi giáo viên yêu cầu học sinh phải làm được một nhạc cụ, học sinh đã tự chia nhóm làm việc, tập trung kiến thức của các môn học như: Toán, Vật lý, Sinh học, Công nghệ để thực hiện thiết kế bản vẽ, tìm hiểu về cao độ, trường độ âm, mày mò đo đạc, tính toán, lựa chọn nguyên vật liệu để hoàn thiện sản phẩm. Hay khi học về cân bằng mềm, các em đã làm được chuồn chuồn tre, học về chất lỏng có sản phẩm thổi bong bóng bằng dung dịch xà phòng, làm kính vạn hoa sau khi biết về phản xạ ánh sáng, làm tên lửa nước từ nguyên lý chuyển động bằng phản lực…
Dạy học THLM khi được triển khai thực hiện có nền nếp vừa giúp đẩy nhanh việc đổi mới phương pháp, khắc phục dần cách dạy học đơn điệu, máy móc, dập khuôn và nâng cao chất lượng dạy học của giáo viên, vừa giúp khai thác, phát huy sự sáng tạo, trí tưởng tượng của học sinh trong quá trình học.
Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai thực hiện dạy THLM vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết, như: nhiều nhà trường còn gặp khó khăn và gần như chưa đáp ứng được yêu cầu giáo viên dạy liên môn, dạy tích hợp. Với một đơn vị kiến thức liên môn, đa phần giáo viên đều chưa đáp ứng được, hiện giáo viên chủ yếu vẫn dạy đơn môn. Dạy THLM có nhiều chủ đề, việc phân công giáo viên nào đảm trách dạy các chủ đề và kiến thức, trình độ của giáo viên có bảo đảm cho việc dạy các chủ đề của THLM hay không cũng là cả một vấn đề... Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành chưa có sự thống nhất các môn học với nhau, nhiều đơn vị kiến thức còn rời rạc, thiếu tính liên kết, bổ trợ lẫn nhau, giáo viên dạy THLM phải mất khá nhiều thời gian cho việc tập hợp, kết nối kiến thức và xây dựng thành các chủ đề dạy học. Ngay như giữa yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học với yêu cầu kiểm tra, thi cử, đánh giá còn có độ vênh, học một đằng, thi một nẻo khiến cho cả người dạy cũng như người học khó tránh khỏi tâm lý e dè khi tiếp cận. Vì vậy, sự thay đổi về nội dung các môn học cùng các yêu cầu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn đang được kỳ vọng mang tới những giải pháp giúp các nhà trường, đội ngũ giáo viên từng bước cởi bỏ, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện dạy học THLM trong trường học.
Thanh Hà
Thanh Hà