Tăng cường dạy tiếng dân tộc thiểu số cấp tiểu học
Nhằm đổi mới, phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, ngành Giáo dục Phú Yên đã hướng dẫn các phòng GD&ĐT, Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh dạy học tiếng dân tộc thiểu số cấp tiểu học trong cơ sở giáo dục.
Báo Phú Yên có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Ngọc Ái xung quanh nội dung trên trong thời gian tới. Bà Nguyễn Thị Ngọc Ái cho biết:
- Dạy học tiếng dân tộc thiểu số là một môn học tự chọn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với cấp tiểu học. Môn học này được triển khai 2 tiết/tuần, tương ứng 70 tiết/năm học. Những địa phương có đủ điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số và có nhu cầu của học sinh đăng ký tham gia học thì triển khai theo lộ trình đến năm 2030 với các tiếng: Ba Na, Chăm, Ê Đê… cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
* Để đảm bảo dạy học tiếng dân tộc thiểu số cấp tiểu học, ngành Giáo dục đã triển khai những phần việc gì, thưa bà?
- Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị, cơ sở giáo dục rà soát, đánh giá các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục để ưu tiên nguồn lực đầu tư kiên cố hóa trường lớp, thiết bị dạy học ở vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn. Ngành Giáo dục chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học phù hợp, hiệu quả với Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ngoài ra, ngành Giáo dục còn tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt trong các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông dân tộc bán trú, qua đó bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số.
* Việc tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục được quy định như thế nào?
- Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT quy định môn tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện theo chương trình của từng cấp học, sử dụng thời lượng tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành để tổ chức dạy học trong các cơ sở giáo dục.
Đối với mỗi tiếng dân tộc thiểu số, nếu tất cả học sinh trong lớp có nguyện vọng học thì tổ chức theo lớp học đó. Trường hợp trong lớp chỉ có một số học sinh có nguyện vọng học thì tổ chức lớp học tiếng dân tộc thiểu số riêng và có thể ghép chung với lớp khác nếu chưa đủ sĩ số. Số lượng người học tối thiểu của một lớp là 10 người.
* Trong quá trình dạy tiếng dân tộc thiểu số gặp phải những khó khăn gì, thưa bà?
- Việc triển khai dạy tiếng dân tộc thiểu số ở nhiều địa phương còn gặp không ít khó khăn, nhất là đội ngũ giáo viên giảng dạy. Khi dạy học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các trường đa số thiếu giáo viên. Nay các trường triển khai dạy thêm môn học tự chọn tiếng dân tộc thiểu số thì phát sinh tiết và giáo viên, trong khi giáo viên biết dạy tiếng dân tộc thiểu số hiện nay không nhiều…
* Để khắc phục những khó khăn trên, ngành Giáo dục có những giải pháp như thế nào?
- Trong thời gian tới, ngành Giáo dục phối hợp với các trường đại học có phương án đào tạo, bồi dưỡng giáo viên đáp ứng trình độ dạy học tiếng dân tộc thiểu số. Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo các phòng GD&ĐT tiếp tục triển khai dạy học tiếng dân tộc thiểu số trong các cơ sở giáo dục theo Nghị định 82, ngày 15/7/2010 của Chính phủ và Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, phù hợp với nhu cầu, thực tiễn của địa phương.
Đặc biệt, các phòng GD&ĐT huyện Đồng Xuân và Sơn Hòa, Sông Hinh tích cực tham mưu UBND huyện, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, Đề án dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo lộ trình với các tiếng: Ba Na, Chăm, Ê Đê cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Trong trường hợp cơ sở giáo dục tổ chức dạy mà không có biên chế giáo viên, phải mời giáo viên thỉnh giảng thì được áp dụng Nghị quyết 34, ngày 9/12/2023 của HĐND tỉnh về quy định các khoản thu, mức thu và cơ chế quản lý thu, chi các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục đối với cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh để chi trả giờ dạy học tự chọn.
* Xin cảm ơn bà!
Các phòng GD&ĐT huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh tích cực tham mưu UBND huyện, Sở GD&ĐT xây dựng kế hoạch, Đề án dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo lộ trình với các tiếng: Ba Na, Chăm, Ê Đê cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.