Trường học rà soát các loại sách giáo khoa, nhằm phát hiện sách giả, lậu

Sự hướng dẫn của nhà trường trong việc nhận biết sách giáo khoa thật - giả rất quan trọng khi tình trạng sách giáo khoa giả, sách lậu vẫn đang trà trộn, len lỏi.

Mua phải sách giả, sách lậu ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Khắc Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội) cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp nào phản ánh về tình trạng sách giáo khoa giả, sách lậu.

“Hằng năm, nhà trường đều tiến hành rà soát các loại sách giáo khoa trong trường, nhằm phát hiện các loại sách giả, sách lậu không đáp ứng tiêu chuẩn. Việc này nhằm đảm bảo tài liệu sử dụng trong giảng dạy và học tập tại trường luôn đúng quy định, có chất lượng tốt, tránh tình trạng sách giáo khoa giả, sách lậu trà trộn vào môi trường học đường”, thầy Sơn chia sẻ.

Theo thầy Sơn, tình trạng sách giáo khoa giả, sách lậu xuất hiện trên thị trường hiện nay đang là một mối lo ngại đối với cả nhà trường lẫn phụ huynh và học sinh.

Sách lậu, sách giả trên thị trường không chỉ gây lãng phí tiền bạc, mà còn tạo ra những rủi ro nghiêm trọng về chất lượng thông tin và kiến thức. Các loại sách từ nguồn không chính thống này thường không được kiểm chứng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập và giảng dạy. Đây là một thách thức lớn trong việc đảm bảo nguồn tài liệu đáng tin cậy và phù hợp với tiêu chuẩn giáo dục.

Thầy Sơn cũng cho biết, hiện tại, nhà trường đã và đang hỗ trợ phụ huynh, học sinh trong việc mua sách giáo khoa từ việc đăng ký mua sách thông qua Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Quốc Oai. Sau đó, sách được cung ứng qua Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Trường học Hà Tây. Một số phụ huynh khác có nhu cầu tự mua sách giáo khoa, cũng được nhà trường hướng dẫn chi tiết.

 Thầy Nguyễn Khắc Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Thầy Nguyễn Khắc Sơn - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Cát (Quốc Oai, Hà Nội). Ảnh: NVCC.

Trên thực tế, việc mua phải sách giả, sách lậu ảnh hưởng trực tiếp tới việc dạy và học của cả giáo viên lẫn học sinh.

Cô Hoàng Thị Thu Yến - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Thường Tín (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu đã gây ra rất nhiều hệ lụy cho giáo dục nói chung và các trường học nói riêng.

“Sách giả có thể gây ra những tác động tiêu cực đáng kể đến cả sức khỏe và tâm lý của học sinh. Một trong những ảnh hưởng rõ rệt nhất là tác động trực tiếp đến thị lực. Do chất lượng in ấn kém, sách giả thường có chữ không rõ ràng, mờ nhòe hoặc hình ảnh thiếu sắc nét. Khi học sinh phải tiếp xúc với loại sách này trong thời gian dài, mắt sẽ dễ bị mỏi, cảm giác khó chịu nhanh xuất hiện và có nguy cơ suy giảm thị lực.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình học tập, mà còn gây ra những vấn đề sức khỏe lâu dài, đặc biệt trong bối cảnh học sinh thường xuyên phải sử dụng sách vở để học và làm bài tập.

Không chỉ dừng lại ở khía cạnh sức khỏe, sách giả còn ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý của học sinh và phụ huynh. Khi sử dụng sách giáo khoa được phát hành bởi các nhà xuất bản uy tín, người dùng thường có cảm giác an tâm hơn về chất lượng nội dung và tính chính xác của thông tin. Ngược lại, nếu như sử dụng sách giả, người dùng sẽ rất lo lắng khi phải tiếp cận những kiến thức sai lệch hoặc thiếu tin cậy”, cô Yến phân tích thêm.

Việc trang bị thêm kiến thức về sách giả, sách lậu là rất quan trọng

Theo cô Hoàng Thị Thu Yến, sách giáo khoa giả, sách in lậu trên thị trường hiện nay được sản xuất rất tinh vi, nên phụ huynh khó có thể phân biệt được sự khác nhau giữa những loại sách này với sách thật. Nữ hiệu trưởng cũng có những chia sẻ về kinh nghiệm trong việc phân biệt giữa sách giả và sách thật trên thị trường.

“Các mẫu sách trên thị trường hiện nay được làm rất giống nhau, đôi khi rất khó để phân biệt nếu chỉ nhìn bằng mắt thường. Tuy nhiên, nếu phụ huynh, học sinh quan tâm và để ý kĩ hơn tới chất lượng giấy, mực in hay màu sắc thì hoàn toàn có thể tránh được việc mua phải sách giả, sách lậu”, nữ hiệu trưởng cho hay.

Cô Yến cũng nhấn mạnh, hiện nay, sách của các nhà xuất bản hay công ty sách đều đã có tem chống hàng giả, nhưng các đối tượng cũng dựa vào đó để làm giả mẫu tem này. Vì vậy, để nguồn sách đến với các trường học và học sinh sử dụng được đảm bảo hơn, cần có sự chung tay từ các cơ quan quản lý tới các cửa hàng, đại lý và các công ty sách có uy tín tại các địa phương.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở thị trấn Thường Tín cũng cho biết thêm, nhà trường thường xuyên tuyên truyền, thông tin, hướng dẫn tới phụ huynh, học sinh về tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu. Cụ thể: “Nhà trường đang đẩy mạnh việc tổ chức các buổi tuyên truyền về cách nhận biết sách thật - sách giả, giúp phụ huynh và học sinh tránh mua phải những cuốn sách kém chất lượng.

Đồng thời, khuyến khích các giáo viên tích cực hướng dẫn học sinh, không chỉ về cách sử dụng sách hiệu quả, mà còn về tầm quan trọng của việc lựa chọn sách chính hãng, để đảm bảo nội dung học tập chính xác và đầy đủ. Việc nhận biết sách thật - sách giả không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, mà cần có sự phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, từ đó bảo vệ quyền lợi học tập của các em học sinh một cách tốt nhất”.

 Buổi tập huấn về sách giáo khoa năm học 2024-2025 tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Thường Tín (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: website trường.

Buổi tập huấn về sách giáo khoa năm học 2024-2025 tại Trường Trung học cơ sở thị trấn Thường Tín (Thường Tín, Hà Nội). Ảnh: website trường.

Về phía Trường Trung học cơ sở Phú Cát, thầy Nguyễn Khắc Sơn cũng có những chia sẻ về công tác phổ biến, tuyên truyền về sách giáo khoa giả, sách lậu tại trường học: “Nhà trường thường xuyên tổ chức các chương trình tuyên truyền và triển khai các công tác liên quan đến sách giáo khoa thông qua các phiên họp định kỳ hằng năm. Đặc biệt, trong các phiên họp triển khai nhiệm vụ cuối năm học, nhà trường luôn tập trung chuẩn bị cho việc hướng dẫn cha mẹ học sinh tự mua sách giáo khoa hoặc đăng ký mua sách tại trường cho năm học tiếp theo.

Bên cạnh đó, công tác rà soát và tuyên truyền được đẩy mạnh trong các kỳ họp phụ huynh đầu năm học hoặc các buổi họp xuyên suốt năm học. Nhà trường cũng tận dụng hiệu quả các kênh truyền thông nội bộ và các nhóm Zalo của từng lớp học.

Thông qua đó, lan tỏa và cung cấp thông tin kịp thời, chính xác đến tất cả phụ huynh, học sinh nhà trường.

Ngoài ra, nhà trường đẩy mạnh tuyên truyền về sách giáo khoa thật - giả qua các cuộc họptại các thôn trong xã, để mở rộng phạm vi lan tỏa thông tin, giúp cha mẹ học sinh nắm được và hiểu rõ về tầm quan trọng của việc lựa chọn tài liệu học tập chính thống”.

Chia sẻ thêm về những giải pháp khắc phục tình trạng sách giáo khoa giả, sách in lậu trên thị trường hiện nay, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phú Cát bày tỏ: “Đề nghị các cơ quan chức năng cần tích cực tăng cường kiểm soát chặt chẽ thị trường sách, đặc biệt là những bộ sách giáo khoa đang được sử dụng phổ biến. Việc kiểm soát này không chỉ giúp ngăn chặn sách giả, mà còn đảm bảo chất lượng nội dung giáo dục cho học sinh.

Đồng thời, cần giảm sự phức tạp cho phụ huynh trong việc mua sách giáo khoa, tránh tình trạng mua nhầm sách giả, sách in lậu trên thị trường. Việc này không chỉ giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn đảm bảo tính thống nhất trong việc giảng dạy và học tập tại các nhà trường”.

Mạnh Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-hoc-ra-soat-cac-loai-sach-giao-khoa-nham-phat-hien-sach-gia-lau-post248325.gd