Tăng cường đối thoại dân chủ để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong đơn vị

Việc thực hiện đối thoại giữa cán bộ chỉ huy các cấp trong Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên nói chung và tại Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động nói riêng là cách làm cụ thể hóa nội dung, hình thức thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở của BĐBP Điện Biên. Đối thoại dân chủ không chỉ là cơ chế để giải quyết những vấn đề nội bộ, mà còn để xây dựng mối quan hệ gắn bó, tin cậy giữa cán bộ, chiến sĩ, từ đó, tạo nên sức mạnh tổng hợp để đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Đại tá Phạm Hồng Giang phát biểu tại buổi sinh hoạt. Ảnh: Anh Dũng

Đại tá Phạm Hồng Giang phát biểu tại buổi sinh hoạt. Ảnh: Anh Dũng

Trong một lần công tác gần đây, chúng tôi được tham dự buổi sinh hoạt đối thoại dân chủ giữa lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên và cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động. Buổi đối thoại này không chỉ nhằm mục đích nắm bắt tình hình tư tưởng của cán bộ, chiến sĩ, mà còn là dịp để nhìn nhận, đánh giá kết quả công tác huấn luyện trong thời gian qua và tìm ra những giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc còn tồn tại. Trên tinh thần cởi mở và đoàn kết, tại buổi sinh hoạt, các cán bộ, chiến sĩ đã mạnh dạn bày tỏ, nói lên những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của mình. Các ý kiến đã được lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên trao đổi, giải thích cặn kẽ, tận tình, thấu đáo, làm rõ, khơi thông mọi vấn đề, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao, nhất là đối với các chiến sĩ mới nhập ngũ đang trong quá trình huấn luyện.

Thượng tá Hà Đại Trung, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Điện Biên cho biết: “Là một đơn vị có nhiệm vụ huấn luyện, đào tạo chiến sĩ mới, đồng thời, tham gia các nhiệm vụ cơ động, sẵn sàng chiến đấu. Với đặc thù công việc đòi hỏi tính kỷ luật cao và sự đoàn kết chặt chẽ, việc thực hiện đối thoại dân chủ được xem là "chìa khóa" để giải quyết các vấn đề chính trị nội bộ của đơn vị, từ công tác huấn luyện, đời sống vật chất, tinh thần đến các vấn đề liên quan đến kỷ luật, tác phong quân nhân...”.

Ngoài ra, hàng tháng, Tiểu đoàn đã tổ chức các buổi đối thoại giữa chỉ huy đơn vị với toàn thể cán bộ, chiến sĩ. Tại đây, mọi người có thể thẳng thắn nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong công tác huấn luyện, đời sống sinh hoạt, cũng như đề xuất các sáng kiến cải tiến phương pháp và nâng cao chất lượng huấn luyện. Nhờ cơ chế đối thoại dân chủ, nhiều vấn đề như thiếu thốn vật chất, khó khăn trong sinh hoạt, hay những bất đồng trong quá trình huấn luyện đã được giải quyết nhanh chóng, kịp thời. Điều này giúp duy trì tinh thần đoàn kết, đồng thuận trong đơn vị.

Trung úy Lò Văn Đông, Chính trị viên Đại đội Huấn luyện, Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Điện Biên chia sẻ: "Đối thoại dân chủ cũng là dịp để các chiến sĩ trẻ phát huy tính sáng tạo, đóng góp ý kiến vào công tác huấn luyện. Nhiều sáng kiến về cải tiến kỹ thuật, phương pháp huấn luyện đã được áp dụng, mang lại hiệu quả thiết thực. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, việc thực hiện đối thoại dân chủ vẫn gặp phải một số khó khăn. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ còn e ngại, chưa mạnh dạn bày tỏ ý kiến. Để khắc phục những hạn chế này, đơn vị cần tiếp tục đổi mới phương pháp tổ chức đối thoại, tạo không khí cởi mở, thân thiện để mọi người tự tin bày tỏ quan điểm. Đồng thời, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò của đối thoại dân chủ trong xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”.

Chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Điện Biên phát biểu ý kiến tại buổi sinh hoạt. Ảnh: Anh Dũng

Chiến sĩ Tiểu đoàn Huấn luyện - Cơ động, BĐBP Điện Biên phát biểu ý kiến tại buổi sinh hoạt. Ảnh: Anh Dũng

Trong 3 tháng đầu năm 2025, các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên đã tham dự 24 cuộc họp đối thoại dân chủ ở đơn vị. Đồng thời, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã tổ chức được hơn 80 buổi sinh hoạt đối thoại dân chủ. Tại các buổi sinh hoạt, Hội đồng quân nhân các đơn vị đã phát huy vai trò nòng cốt, đại diện cho quân nhân các đơn vị trong giám sát thực hiện dân chủ trên các mặt chính trị, quân sự, kinh tế và đời sống. Qua đó, góp phần củng cố và giữ vững niềm tin của quân nhân đối với cấp ủy, chỉ huy các cấp. Đồng thời, xây dựng mối quan hệ giữa cán bộ và chiến sĩ ngày càng gắn bó, tạo nên sức mạnh tổng hợp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Đại tá Phạm Hồng Giang, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng BĐBP Điện Biên khẳng định: Đối thoại dân chủ đã tạo ra bầu không khí cởi mở, vui tươi, phấn khởi, tin tưởng, đoàn kết giữa cấp ủy, chỉ huy các cấp với cán bộ, chiến sĩ. Qua đó, giúp cấp ủy, chỉ huy nắm được tâm tư, tình cảm cũng như những kiến nghị, đề xuất để kịp thời giải quyết và xử lý, uốn nắn, chấn chỉnh, khắc phục những biểu hiện nhận thức lệch lạc, tư tưởng chưa đồng thuận, hành vi tiêu cực, sai trái, góp phần đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Thời gian tới, Ban Thường vụ Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên tiếp tục tăng cường sinh hoạt đối thoại, không ngừng đề cao quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mỗi quân nhân; quan tâm giáo dục quân nhân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, đảm bảo công bằng, tập trung thống nhất trong mỗi hành động. Việc duy trì và phát huy hiệu quả của đối thoại dân chủ sẽ tiếp tục là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng đơn vị ngày càng vững mạnh toàn diện, các tổ chức Đảng trong sạch vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Anh Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tang-cuong-doi-thoai-dan-chu-de-xay-dung-su-doan-ket-thong-nhat-trong-don-vi-post488246.html