Tăng cường đối thoại để bảo vệ người lao động

Tranh chấp lao động giữa người lao động (NLĐ) và chủ doanh nghiệp luôn là điều khó tránh khỏi trong quan hệ lao động, đặc biệt ở thời điểm dịch COVID-19 bùng phát là quãng thời gian khó khăn của nhiều công ty, doanh nghiệp nên lại càng dễ nảy sinh mâu thuẫn.

Nhiều quyền lợi của người lao động tại Công ty TNHH Công nghiệp Chiachen (Yên Khánh) được đảm bảo dù doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn.

Nhiều quyền lợi của người lao động tại Công ty TNHH Công nghiệp Chiachen (Yên Khánh) được đảm bảo dù doanh nghiệp đang gặp không ít khó khăn.

Do đó, thời gian qua ngoài việc tuyên truyền, tư vấn pháp luật về lao động để NLĐ hiểu biết, thực hiện tốt trong quá trình làm việc, các cấp công đoàn trong tỉnh còn tăng cường đối thoại nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho NLĐ, góp phần xây dựng quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp.

Sự việc đáng tiếc xảy ra tại Công ty TNHH Gtwill Việt Nam (Cụm công nghiệp Gia Vân, huyện Gia Viễn) vào thời điểm cuối tháng 12 vừa qua khi có hơn 400 công nhân đồng loạt nghỉ việc do Công ty cắt thưởng Tết đã phần nào cho thấy những mâu thuẫn trong quan hệ lao động vẫn luôn tồn tại. Ngay sau đó đại diện lãnh đạo LĐLĐ tỉnh đã trực tiếp xuống Công ty để gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của công nhân.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng của tỉnh làm việc trực tiếp với Ban giám đốc Công ty để nắm bắt tình hình, trao đổi giải quyết các khúc mắc. Nhờ vậy, Công ty đã đồng ý chi thưởng Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 cho CNLĐ và có thông báo bằng văn bản đến toàn thể NLĐ. Theo đó mức thưởng Tết là 600.000 đồng/người đối với những CNLĐ có thời gian làm việc trên 6 tháng tại Công ty và 300.000 đồng đối với những CNLĐ có thời gian làm việc dưới 6 tháng.

Đây là mâu thuẫn đáng tiếc xảy ra trong bối cảnh cả doanh nghiệp và người lao động đều đang gặp những khó khăn bởi dịch COVID-19. Tuy nhiên, đối mặt với vụ việc này, điều đáng ghi nhận là sự vào cuộc nhanh chóng, tích cực của tổ chức công đoàn và các ngành chức năng, qua đó kịp thời bảo vệ quyền lợi cho NLĐ, đồng thời giúp doanh nghiệp ổn định tình hình, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất trong thời điểm cuối năm.

Có thể thấy, trong 2 năm gần đây, do dịch bệnh tác động, NLĐ bị ảnh hưởng không nhỏ về việc làm và tiền lương, đời sống khó khăn và tâm lý dễ nảy sinh bức xúc. Còn về phía các doanh nghiệp, những khó khăn về nguồn nguyên liệu, về thị trường xuất nhập khẩu… đã làm cho không ít công ty điêu đứng, thậm chí có đơn vị rơi vào cảnh thua lỗ, do đó việc chăm lo đời sống cho công nhân có thời điểm chưa đảm bảo. Tuy vậy, khi được tổ chức công đoàn đồng hành trong giải quyết các vấn đề pháp lý, trao đổi, đối thoại, nhiều doanh nghiệp và NLĐ đã bình tĩnh, có cách giải quyết phù hợp.

Được biết, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở tăng cường hoạt động giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động, hạn chế thấp nhất việc lợi dụng chính sách, quy định của pháp luật để chấm dứt hợp đồng lao động; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp, NLĐ thực hiện các thủ tục cần thiết để hưởng gói hỗ trợ của Chính phủ đảm bảo đúng người, đúng đối tượng.

Đồng thời tiếp tục phối hợp với người sử dụng lao động duy trì tổ chức hội nghị NLĐ, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc; giải quyết kịp thời nhiều vướng mắc, bức xúc của người lao động. Đã có 176/219 CĐCS doanh nghiệp tổ chức hội nghị người lao động; có 216/285 doanh nghiệp tổ chức 193 cuộc đối thoại định kỳ và 49 cuộc đối thoại đột xuất tại nơi làm việc để giải quyết kịp thời nhiều kiến nghị chính đáng của người lao động (đạt 123,4% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao); 1.022 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xây dựng Quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc.

Không chỉ đảm bảo về số lượng, chất lượng các hội nghị cũng đang từng bước được nâng lên với việc tập trung vào các nội dung trọng tâm: Xây dựng quy chế đối thoại, quy chế dân chủ tại cơ sở, bầu đại diện NLĐ tham gia đối thoại định kỳ tại nơi làm việc...

Cùng với đó, việc thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) trong các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước cũng đang mang đến ngày càng nhiều hơn chế độ chính sách, phúc lợi xã hội cho người lao động. Có 221/285 CĐCS doanh nghiệp sửa đổi, bổ sung, ký mới TƯLĐTT (đạt 125% chỉ tiêu Tổng LĐLĐ giao).

Tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp mới thành lập không chỉ chủ động đề xuất với người sử dụng lao động tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT, mà còn quan tâm nâng cao chất lượng và việc thực hiện TƯLĐTT trên thực tế. Điều đáng mừng là một số CĐCS doanh nghiệp đã thương lượng với người sử dụng lao động có thêm những điều khoản về quyền lợi của NLĐ cao hơn so với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật tại nơi ở, nơi làm việc cho hơn 7.100 lượt đoàn viên, công nhân lao động, nhất là tư vấn pháp luật trực tuyến.

Với phương châm hướng về cơ sở, các cấp công đoàn trong tỉnh đã và đang góp phần quan trọng đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động, đồng thời mang đến sự ổn định cho các doanh nghiệp trong bối cảnh còn nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19.

Bài, ảnh: Đào Duy

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/tang-cuong-doi-thoai-de-bao-ve-nguoi-lao-dong/d20220123101946566.htm