Tăng cường gắn kết quân - dân qua mô hình tạo sinh kế cho người dân vùng biên
Thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm qua mô hình tạo sinh kế cho người dân biên giới, BĐBP Kon Tum đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.
BĐBP Kon Tum quản lý gần 300km, tiếp giáp với nước bạn Lào và Campuchia. Nơi đây là ngôi nhà của hơn 65.000 người dân, thuộc 24 dân tộc cùng chung sống, với 77,6% là đồng bào dân tộc thiểu số, so với mặt bằng chung, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Bằng tình cảm và trách nhiệm, trong những năm qua, BĐBP Kon Tum đã triển khai nhiều phong trào, mô hình tiêu biểu như: “Đảng viên đội công tác địa bàn tham gia sinh hoạt tại chi bộ thôn (làng), kết nghĩa giúp đỡ hộ gia đình trên khu vực biên giới vươn lên thoát nghèo”, phát triển kinh tế, xã hội vùng biên giới, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân dân. Đồng thời, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh vùng biên giới.
Với hoàn cảnh nhà không rẫy, không ruộng, lại một mình nuôi 2 đứa con nhỏ, cuộc sống của gia đình chị Dương Thị Biến, ở thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông, huyện Ngọc Hồi cứ quanh quẩn trong khó khăn. Mong muốn giúp đỡ gia đình chị vượt khó, có nguồn sinh kế ổn định, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông, BĐBP Kon Tum đã quyết định hỗ trợ cho gia đình chị Biến một con bò giống. Sau một thời gian chăm sóc tốt, con bò giống chuẩn bị sinh thêm con bê thứ hai. Từ sự giúp đỡ của những người lính Biên phòng, gia đình chị Biến đã có "điểm tựa" để vươn lên trong cuộc sống.
Đều đặn hàng tháng, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông lại đến thăm và giúp đỡ vợ chồng ông Phạm Văn Long chăm sóc vườn rau. Vợ chồng ông Long, thôn Nông Nhầy 2, xã Đắk Nông, tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Thực hiện chương trình giúp đỡ nhân dân cải tạo vườn tạp, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Dục Nông đã bàn bạc với gia đình triển khai mô hình trồng cau. Bắt tay vào thực hiện mô hình, những người lính quân hàm xanh không chỉ cung cấp giống cây, giúp đỡ ngày công và hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăm sóc, mà còn trực tiếp tìm hiểu và kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Thiếu tá Bùi Triệu Phú, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Dục Nông cho biết: “Chúng tôi tích cực triển khai tuyên truyền, vận động bà con biết áp dụng đổi giống cây, con giống có giá trị kinh tế thấp, sang nuôi trồng cây, con giống có giá trị kinh tế cao”. Còn Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Dục Nông, Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải cho biết thêm: “Để phát động phong trào vận động bà con thoát nghèo, cán bộ, chiến sĩ của Đồn Biên phòng Dục Nông đã trích tiền từ quỹ tăng gia của đơn vị, hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, khó khăn mua một con bê, trị giá 17,5 triệu đồng, với phương châm là “cho cần câu, không cho con cá”. Đến khi bê lớn, sinh sản thì lấy con bê đó nhân rộng cho các hộ gia đình khác. Từ đó đến nay, mô hình bò sinh sản đã nhân rộng được cho 7 hộ gia đình thoát nghèo”.
Cùng với những mô hình phát triển sinh kế, góp phần đổi thay thôn, làng vùng biên, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắk Xú, BĐBP Kon Tum cũng giúp đỡ, hướng dẫn bà con từ những phần việc đời thường. Tại thôn Kei Joi, xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, sau 3 năm triển khai mô hình cải tạo vườn tạp, từ vườn rau của những người lính Biên phòng, nhiều hộ gia đình ở các thôn khác đã học hỏi, làm theo. Thượng úy A Bừng, Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Đắk Xú nói: “Người dân ở đây rất ít trồng rau, nên chúng tôi đã cùng ăn, cùng ở và trao đổi, hướng dẫn bà con tạo ra một mô hình để bà con học, làm theo. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phối hợp với các ban, ngành của xã, thôn xây dựng kế hoạch hàng tháng tuyên truyền cho bà con, để bà con hiểu và xóa bỏ tập tục lạc hậu, chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đồng hành cùng nhân dân khu vực biên giới, mỗi người lính quân hàm xanh vùng biên cương không chỉ giúp dân bằng tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, mà còn bằng cả nghĩa tình như người thân một nhà. Những năm qua, BĐBP Kon Tum đã cụ thể hóa nghị quyết, triển khai nhiều mô hình, chương trình, phần việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả, giúp nhân dân thoát nghèo, phát triển kinh tế. Kết quả, sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, hơn 15% đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo trên địa bàn biên giới của tỉnh đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tích cực phát triển kinh tế. 36% hộ dân tộc thiểu số biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. 35% hộ dân có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện.
Bằng những mô hình, cách làm hay có hiệu quả, BĐBP đã đóng góp nhiều công sức giúp các thôn làng nơi biên cương ngày một khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên. Đây vừa là thành quả, vừa là giải pháp và động lực để những người lính quân hàm xanh tiếp tục giữ vững thế trận lòng dân. Quân với dân một lòng, đoàn kết, sát cánh để cùng nhau giữ vững từng tấc đất biên cương.