Tăng cường giải pháp ngăn chặn vi phạm nồng độ cồn
Càng về cuối năm thì những buổi tổng kết, gặp mặt, chia tay... cũng ngày một nhiều. Một khảo sát của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia cho thấy, tỷ lệ thực khách tự điều khiển phương tiện sau khi uống rượu bia chiếm 68%, trong đó khoảng 40% người say rượu bia vẫn tự lái xe về nhà.
Quyết liệt xử lý
Từ đầu tháng 8, Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC08, Công an TPHCM) đã triển khai mạnh mẽ kế hoạch tuần tra và xử lý người điều khiển phương tiện mà trong cơ thể có chất ma túy và vi phạm nồng độ cồn. Theo ghi nhận, đã có rất nhiều trường hợp bị xử phạt hành chính vì vi phạm nồng độ cồn.
Đại diện PC08 cho biết, kế hoạch này sẽ được triển khai đến hết ngày 31-12-2020. Việc kiểm tra chủ yếu tập trung tại nơi xuất phát, khu vực bến xe, bến cảng, kho bãi; khu vực quán bar, vũ trường, nhà hàng, quán ăn; khu vực phức tạp về an ninh trật tự.
Đồng thời lực lượng PC08 cũng sẽ sử dụng camera ghi nhận lại toàn bộ hoạt động trong quá trình kiểm tra để làm căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, chống đối người thi hành công vụ và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Văn phòng Chính phủ cũng đã có thông báo gửi các thành phố trực thuộc trung ương, UBND các tỉnh, bộ ngành liên quan về việc đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) trong 6 tháng cuối năm, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình.
Theo đó, yêu cầu các đơn vị, bộ ngành liên quan, mọi người dân nghiêm chỉnh chấp hành quy định pháp luật về an toàn giao thông; tự giác thực hiện “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”; không phóng nhanh, vượt ẩu; luôn đội nón bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy, thắt dây an toàn khi ngồi trên ô tô.
Đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cần tăng cường thực hiện các giải pháp đột phá về chống ùn tắc giao thông, đặc biệt là tiến độ các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm, như dự án Đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội, đường Vành đai 4, 5 (Hà Nội); Bến Thành - Suối Tiên, đường Vành đai 3, 4 (TPHCM). Tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng dịch vụ xe buýt; có phương án sắp xếp hợp lý các hoạt động dân sinh trên vỉa hè, lòng đường, đồng thời cương quyết xử lý mọi trường hợp vi phạm trật tự đô thị, sử dụng rượu bia khi lái xe, sử dụng trái phép vỉa hè, lòng đường, hành lang ATGT; xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động đường thông, hè thoáng.
Chế tài đã mạnh
Theo Ủy ban ATGT quốc gia, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự hưởng ứng, chấp hành của toàn xã hội, hơn 10 năm qua, TNGT đã liên tục được kéo giảm trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết, số người bị thương. Nếu năm 2010, số người chết do TNGT lên tới 12.000 người thì năm 2019 con số này được kéo giảm chỉ còn khoảng 7.500 người.
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia, đánh giá những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100 đáp ứng đúng đòi hỏi của tình hình và nguyện vọng của người dân về ngăn chặn, đẩy lùi tác hại của rượu bia đối với đời sống xã hội. Kịp thời xây dựng và ban hành chế tài mạnh, đủ sức răn đe, gửi đến nhân dân một thông điệp mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc thực thi luật mới, bảo vệ sức khỏe, sinh mạng của người dân.
Để kéo giảm TNGT do rượu bia gây ra, trong thời gian tới, Ủy ban ATGT quốc gia sẽ tiếp tục đôn đốc các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện Năm ATGT 2020 với chủ đề “Đã uống rượu, bia - Không lái xe”.
Đặc biệt là lực lượng CSGT, thanh tra giao thông tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các quy định của Nghị định số 100/2019; xây dựng kế hoạch liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm trật tự ATGT tại một số địa phương có tình hình trật tự ATGT phức tạp; chú trọng kiểm tra công tác đăng kiểm phương tiện và đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, an toàn đường thủy nội địa, phát hiện và kiến nghị xử lý vi phạm.
Sau Nghị định 100/2019 thì Nghị định 117/2020 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (thay thế Nghị định 176/2013) cũng đã chính thức có hiệu lực từ ngày 15-11. Theo Nghị định 117/2020, người dưới 18 tuổi uống rượu bia bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền 200.000-500.000 đồng.
Người vi phạm khi uống rượu bia tại địa điểm không uống rượu, bia theo quy định của pháp luật, xúi giục, kích động, lôi kéo người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Hành vi uống rượu bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; ép buộc người khác uống rượu bia sẽ bị phạt tiền 1-3 triệu đồng. Các chính sách, pháp luật này đã thực sự đi vào đời sống và tính nghiêm minh của quy định đã lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, nhận được sự ủng hộ của đại đa số người dân.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/tang-cuong-giai-phap-ngan-chan-vi-pham-nong-do-con-699130.html