Tăng cường giám sát bệnh dại

Từ đầu năm đến nay, bệnh dại ở chó đã xảy ra 20 ổ dịch ở 8 huyện, thành phố. Hiện có 2 ổ dịch tại xã Ngọc Chánh (huyện Đầm Dơi) và xã Lý Văn Lâm (TP Cà Mau) chưa qua 21 ngày. Chưa ghi nhận trường hợp tử vong trên người do bệnh dại. Tuy nhiên, tình trạng chó cắn người vẫn còn nhiều.

Ông Quách Minh Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, báo cáo về công tác phòng chống bệnh dại trên động vật của tỉnh, tại hội nghị sơ kết 9 tháng vào sáng ngày 6/10.

Ông Quách Minh Quốc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh, báo cáo về công tác phòng chống bệnh dại trên động vật của tỉnh, tại hội nghị sơ kết 9 tháng vào sáng ngày 6/10.

Theo đó, Cà Mau cũng là tỉnh thứ 2 trên cả nước về số ổ dịch dại trên động vật (sau Phú Thọ với 42 ổ dịch), tăng so với cùng kỳ 11 ổ dịch. Hầu hết các ổ dịch đều xảy ra trên các đàn chó chưa được tiêm phòng (19 ổ dịch) và sắp hết thời gian miễn dịch (1 ổ dịch), trong đó có 8 ổ dịch xảy ra trên chó hoang vô chủ.

Để thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh dại, hiện tỉnh có hơn 79 tổ lưu động tại các xã, phường, thị trấn trực tiếp đến từng hộ dân để thực hiện việc tiêm phòng cho vật nuôi, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống bệnh dại.

Cụ thể, từ đầu năm đến nay đã tổ chức tiêm phòng được trên 14.291 liều tại các ổ dịch và tiêm phòng dịch vụ xã hội hóa (số chó, mèo được tiêm phòng hiện còn trong thời gian miễn dịch là 27.000 liều).

Ngành y tế đánh giá, công tác quản lý đàn chó nuôi của nhiều địa phương chưa được quan tâm đúng mức, nhất là việc thống kê đàn chó, mèo; tình trạng chó hoang vô chủ, chó thả rông cắn người còn nhiều. Tỷ lệ tiêm phòng chỉ đạt 10,41% (15.928/153.001 con), quá thấp so với yêu cầu là 80% so tổng đàn, trong đó nhiều địa phương đàn chó, mèo nuôi chưa được tiêm phòng.

Phụ huynh đưa trẻ đến tiêm ngừa dại tại Trung tâm y tế TP Cà Mau.

Tại hội nghị, các đơn vị, địa phương nêu một số khó khăn trong công tác này như: Nguồn ngân sách tại địa phương phải chi cho nhiều nhiệm vụ khác nên việc bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống bệnh dại còn hạn chế; việc áp dụng chế tài xử phạt các vi phạm trong phòng, chống bệnh động vật nói chung và bệnh dại nói riêng vẫn chưa được thực hiện, do đó chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống bệnh dại, cũng như nhận thức về tính chất nguy hiểm của bệnh dại ở một bộ phận người dân còn hạn chế…

Nhận định nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát trong thời gian tới là rất cao khi thời tiết diễn biến phức tạp nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho vi rút phát triển, ông Vương Hữu Tiến, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh đề nghị tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các địa phương thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống dịch bệnh dại trên động vật, trọng tâm là công tác giám sát dịch bệnh, vệ sinh tiêu độc khử trùng, công tác tiêm phòng và biện pháp xử lý các ổ dịch, xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại.

“Tăng cường việc thực hiện đăng ký và rà soát, lập danh sách hộ nuôi chó và số chó nuôi trong từng hộ trên địa bàn ấp, khóm. Chú trọng kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng cho đàn chó, mèo; kinh phí dự phòng tiêm ngừa cho người thuộc diện hỗ trợ khi bị chó cắn. Bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng trên 70% tổng đàn trong giai đoạn 2022-2025 và trên 80% trong giai đoạn 2026-2030 theo quy định”, Phó giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tang-cuong-giam-sat-benh-dai-a29519.html