Tăng cường giám sát, lựa chọn, thực nghiệm SGK

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), có 1.574 tác giả tham gia biên soạn sách giáo khoa (SGK) cho 6 khối lớp. Trong đó, trên 2/3 số tác giả có trình độ từ tiến sĩ trở lên. Tuy nhiên, SGK mới còn nhiều sai sót.

Đánh giá về SGK Chương trình giáo dục phổ thông 2018, PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học - Bộ GD-ĐT, thừa nhận SGK mới vẫn còn hạn chế. Cụ thể: Một số nội dung, thuật ngữ được sử dụng trong các bản mẫu SGK chưa bảo đảm tính liên thông giữa các môn học/hoạt động giáo dục. Tiến trình nội dung bài học của các bản mẫu SGK trong một môn học còn có sự chênh lệch đáng kể giữa các SGK khác nhau. Chất lượng một số bản mẫu SGK còn hạn chế, bên cạnh những lỗi về nội dung còn rất nhiều lỗi về chính tả, câu từ, ngôn ngữ, hình ảnh... Việc xem xét, thẩm định đối với một vài văn bản, ngữ liệu đưa vào SGK cũng chưa chú ý đầy đủ các khía cạnh tác động xã hội, gây băn khoăn trong dư luận khi SGK đưa vào sử dụng.

Trong báo cáo vừa gửi Quốc hội và các đại biểu Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết 41/2021/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV trong lĩnh vực GD-ĐT, Bộ GD-ĐT cho biết thời gian tới sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK. Cụ thể, bộ sẽ tăng cường giám sát quá trình tuyển chọn tác giả, thực nghiệm SGK của các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK tại các cơ sở giáo dục theo đúng quy định, bảo đảm chủ động về tiến độ chuẩn bị SGK theo đúng lộ trình.

Bên cạnh đó, kiểm tra chặt chẽ việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, kiểm tra việc tổ chức lựa chọn SGK ở các địa phương. Lựa chọn chặt chẽ hơn các thành viên tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK, tăng cường trách nhiệm và tăng cường giám sát việc thực hiện của các hội đồng quốc gia thẩm định SGK để nâng cao chất lượng sách. Ngoài ra, bộ cũng sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai việc biên soạn SGK dân tộc, đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng theo kế hoạch đã ban hành...

Việc Bộ GD-ĐT tăng cường giám sát thực nghiệm SGK nhận được nhiều phản hồi tích cực của các chuyên gia giáo dục cũng như giáo viên. Theo đánh giá của các chuyên gia, thực nghiệm chính là một trong những kênh phản ánh sát sao, trung thực, khách quan nhất chất lượng và tính phù hợp của SGK mới. Việc thực nghiệm SGK càng rộng thì càng có lợi cho việc phát hiện những sai sót nếu có hoặc rút kinh nghiệm khi giảng dạy trong năm học; cần thực hiện ở các vùng miền khác nhau do đối tượng sử dụng của mỗi bộ SGK là rất rộng, có điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ tiếp thu khác nhau nên càng thực nghiệm kỹ sẽ càng đem lại chất lượng tốt nhất.

PGS-TS Đặng Văn Nghĩa, Chủ biên SGK Công nghệ 8 - bộ sách "Kết nối tri thức với cuộc sống", nhấn mạnh các tiết dạy thực nghiệm giúp tác giả SGK được lắng nghe, trao đổi và rút kinh nghiệm, góp ý từ giáo viên, những người trực tiếp giảng dạy.

Theo quy định mới, tác giả sẽ tiến hành chỉnh sửa bài dạy thực nghiệm và tổ chức dạy thực nghiệm lần 2. Quy trình này sẽ giúp các bài học khi triển khai trong thực tế được điều chỉnh cho phù hợp với phần đông học sinh.

Yến Anh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tang-cuong-giam-sat-lua-chon-thuc-nghiem-sgk-20221008205952075.htm