Tăng cường giáo dục giới tính

Để khắc phục lỗ hổng giáo dục giới tính, theo các chuyên gia, vấn đề quan trọng nhất là các em phải được rèn luyện về kỹ năng sống, chủ động tìm hiểu và được giáo dục, cung cấp những kiến thức đầy đủ về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên từ cha mẹ, thầy cô và người thân.

Vẫn còn nhiều rào cản

Theo các chuyên gia, trẻ dậy thì sớm và giáo dục giới tính muộn, giáo dục giới tính không có hiệu quả đang là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc trẻ mang thai ngoài ý muốn. Thực tế vừa qua, liên tiếp các vụ việc như bé gái sinh con ở Phú Thọ khi mới 11 tuổi, hay 1 nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm mà không ai biết kể cả bố mẹ… đã gây tâm lý lo lắng cho không ít phụ huynh có con đang ở tuổi vị thành niên.

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm đểm chung của các vụ việc học sinh mang thai ngoài ý muốn đó là cha mẹ, người thân của trẻ không biết, hoặc biết khi thai nhi quá lớn, thậm chí là khi trẻ đã sinh con. Theo đó, trẻ vị thành niên là những trẻ từ 10 - 19 tuổi. Trong độ tuổi này, trẻ phát triển các chức năng sinh dục, sinh sản, nhu cầu tình dục xuất hiện và chưa đủ kỹ năng để kiểm soát ham muốn tình dục. Việc có thai ở độ tuổi vị thành niên thường sẽ kéo theo những hệ lụy rất lớn về tâm lý, sinh lý ở trẻ.

Trên thực tế, việc giáo dục giới tính cho học sinh, trẻ vị thành niên hiện nay, nhất là những kiến thức về cơ thể con người, sức khỏe sinh sản, quan hệ nam nữ, chống lạm dụng tình dục... dù đã có sự cởi mở nhất định song các bậc phụ huynh vẫn thường ít đề cập, giáo dục toàn diện trong gia đình. Nguyên nhân là do sự thiếu quan tâm, xem nhẹ, cũng như những rào cản về mặt tâm lý hoặc không có kiến thức, phương hướng để truyền tải.

Khắc phục lỗ hổng giáo dục giới tính

Theo các chuyên gia, để khắc phục lỗ hổng giáo dục giới tính, vấn đề quan trọng nhất là các em phải được rèn luyện về kỹ năng sống, phải chủ động tìm hiểu và được giáo dục, cung cấp những kiến thức đầy đủ về giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên từ cha mẹ, thầy cô và người thân.

Đồng thời, người lớn phải chủ động chia sẻ, đồng thời luôn sâu sát, quan tâm để sớm nhận ra những thay đổi về tâm sinh lý của trẻ em nhằm kịp thời giải đáp, hướng dẫn. Vị thành niên là giai đoạn thay đổi về thể chất và tâm sinh lý, nên cha mẹ và nhà trường cần có phối hợp để trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản, giáo dục giới tính, giúp các em có kiến thức và nhận thức đúng đắn.

Bên cạnh đó, chính các phụ huynh cũng cần có cách nhìn nhận thẳng thắn và đúng đắn câu chuyện về giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ. Thông qua sự trao đổi, trò chuyện, phụ huynh sẽ có thêm cơ hội để hiểu suy nghĩ, tình cảm, từ đó giúp nâng cao nhận thức, giúp trẻ có trách nhiệm với hành động của bản thân và nắm được những biện pháp an toàn tình dục.

Đối với các nhà trường, cần nghiên cứu, điều chỉnh nội dung, chương trình giáo dục giới tính bảo đảm chủ động và sát thực tiễn hơn nữa. Trường học cần tăng cường tổ chức các buổi chia sẻ công khai những vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản phù hợp với từng lứa tuổi cụ thể; đẩy mạnh truyền thông về sức khỏe sinh sản vị thành niên; nhân rộng mô hình “phòng tâm lý học đường” nhằm giúp học sinh có không gian để chia sẻ với thầy cô những băn khoăn, thắc mắc liên quản đến sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Mặt khác, các ngành chức năng cần tăng cường giáo dục, chăm sóc sức khỏe tiền hôn nhân, các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, hướng dẫn các biện pháp tránh thai phù hợp, hạn chế tình trạng phá thai và ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục. Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, gia đình, xã hội, các cơ quan bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong tuyên truyền pháp luật, giáo dục nhận thức cho học sinh về giới tình, tình cảm… Từ đó, giúp các em được trang bị đầy đủ kiến thức về giới tính và sức khỏe sinh sản.

Theo daibieunhandan.vn

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/y-te/tang-cuong-giao-duc-gioi-tinh-32477.html